Theo dòng sự kiện

Phát hiện khả năng miễn dịch lâu dài sau khi nhiễm Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng

31/12/2020, 16:03

TNNN - Nghiên cứu mới với từ Đại học Queen Mary ở London đã tìm thấy bằng chứng về khả năng miễn dịch bảo vệ lên đến 4 tháng ở người nhiễm Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Nghiên cứu mới được công bố gần đây trên tạp chí Science Immunology, đã phân tích các phản ứng của kháng thể và tế bào T ở 136 nhân viên y tế London bị nhiễm Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng kể từ tháng 3 năm 2020.

Hình minh họa. Nguồn: Pixabay/CC0 Public Domain


Nhóm nghiên cứu, bao gồm các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Queen Mary, trường Đại học Imperial College London và trường Đại học College London, phát hiện ra rằng 89% nhân viên y tế trong số được phân tích mang kháng thể trung hòa trong 16-18 tuần sau khi nhiễm bệnh.

 
Các nhà nghiên cứu nhận thấy hầu hết các tế bào T, tế bào bạch cầu bảo vệ cơ thể khỏi sinh vật lạ như virus, ở những người này cũng có khả năng nhận dạng và tấn công virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, phản ứng kháng thể và khả năng miễn dịch của tế bào T ở những người này không phải luôn tồn tại song song, một số cá nhân có khả năng miễn dịch tế bào T nhưng không có kháng thể và ngược lại.
 
Joseph Gibbons, nhà nghiên cứu tại trường Đại học Queen Mary, cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi về nhiễm trùng SARS-CoV-2 ở nhân viên y tế từ các bệnh viện ở London cho thấy rằng 4 tháng sau khi nhiễm bệnh, khoảng 90% cá nhân có kháng thể ngăn chặn virus. Đáng mừng hơn, ở 66% nhân viên y tế, chúng tôi thấy mức độ kháng thể bảo vệ cao và phản ứng kháng thể mạnh mẽ này còn được bổ sung bởi các tế bào T có khả năng phản ứng với các bộ phận khác nhau của virus ".
 
"Đây là một tin tốt. Kết quả này có nghĩa là nếu bạn đã từng bị nhiễm thì rất có thể sẽ phát triển được các kháng thể và tế bào T có thể bảo vệ cơ thể nếu gặp lại virus SARS-CoV-2".
 
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khả năng miễn dịch của tế bào T có xu hướng mạnh hơn ở những người có các triệu chứng Covid-19 rõ ràng, trong khi nhiễm Covid-19 không có triệu chứng dẫn đến khả năng miễn dịch tế bào T yếu hơn. Tuy nhiên giữa nhóm có triệu chứng và không triệu chứng thì đều có kháng thể trung hòa tương đương.
 
Hiểu được cách thức hoạt động của các phản ứng miễn dịch ở nhóm bị nhiễm bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng là đặc biệt quan trọng vì họ là nhóm bệnh nhân lớn nhất.
 
Nghiên cứu mới cũng khẳng định tính khả thi của các nỗ lực tiêm chủng, cho thấy rằng ngay cả sau khi nhiễm bệnh nhẹ, các cá nhân vẫn có kháng thể và khả năng miễn dịch tế bào T đối với nhiều bộ phận của virus, được gọi là các biểu mô. Trong khi các biến thể mới đang xuất hiện, những thay đổi đối với virus không nằm ở các biểu mô này, vì vậy nhóm nghiên cứu hy vọng phần lớn khả năng miễn dịch ở các cá nhân đã bị nhiễm sẽ vẫn có tác dụng.
 
Tiến sĩ Corinna Pade, nhà khoa học tại trường Đại học Queen Mary, cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi đối với các trường hợp nhẹ và không có triệu chứng cung cấp một cái nhìn tích cực về độ bền của khả năng miễn dịch đối với SARS-CoV-2 sau bốn tháng nhiễm bệnh. Một con số đáng chú ý là khoảng 90% các cá nhân có lượng lớn các kháng thể mạnh ngăn chặn virus xâm nhập, ngoài ra còn xuất hiện phản ứng miễn dịch của tế bào T tấn công các bộ phận khác nhau của virus. Đây là một phát hiện quan trọng vì Covid-19 nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng là rất phổ biến và là hầu hết các ca nhiễm trong cộng đồng. Các phản ứng miễn dịch dồi dào như vậy cũng mang lại hy vọng về hiệu quả lâu dài của vaccine".
 
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận