Theo dòng sự kiện

Thách thức và cơ hội phát triển của ngành thử nghiệm

22/05/2021, 12:05

TNNN – Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngành phân tích, thử nghiệm của Việt Nam có rất nhiều thách thức và cơ hội để phát triển.


TS. Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ về thách thức, cơ hội của ngành phân tích, thử nghiệm giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Vũ Hải

Công nhận, thừa nhận trong đánh giá sự phù hợp

Chia sẻ về hoạt động công nhận, thừa nhận trên thế giới và khu vực, TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiêm Chủ tịch Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) cho biết, từ năm 1977, Diễn đàn công nhận phòng thử nghiệm quốc tế (ILAC) ra đời nhằm gắn kết hoạt động của các Phòng thử nghiệm (PTN) trên thế giới, thúc đẩy việc thừa nhận kết quả thử nghiệm giữa các PTN tại các quốc gia thông qua cơ chế thừa nhận, công nhận lẫn nhau về kết quả thử nghiệm.

ILAC bao gồm tất cả tập hợp các PTN trên thế giới và đã có 155 thành viên thuộc 4 loại hình, gồm 98 thành viên đầy đủ, 24 thành viên là các bên liên quan và 6 tổ chức công nhận khu vực, 15 thành viên thông tấn, 12 thành viên liên kết. Việt Nam là thành viên của ILAC.

Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng có Diễn đàn công nhận phòng thí nghiệm Châu Á - Thái Bình Dương (APLAC). Diễn đàn này được khởi xướng thành lập vào năm 1992 và được xem là một diễn đàn cho các cơ quan công nhận phòng thí nghiệm trong khu vực.

Với hoạt động đánh giá sự phù hợp, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng có Diễn đàn công nhận các tổ chức chứng nhận, tổ chức đánh giá sự phù hợp không phải là tổ chức thử nghiệm (PAC).

Cơ chế công nhận của APLAC và PAC tương đối giống nhau, điều này cho thấy trong thực tế của Việt Nam, các tổ chức có PTN không chỉ thực hiện và cung cấp dịch vụ thử nghiệm mà cung cấp cả các dịch vụ khác: chứng nhận, giám định, kiểm định,…

Với xu thế đó, từ ngày 1/1/2019, APLAC và PAC đã hợp nhất thành APAC, trong đó tập hợp tất cả các tổ chức công nhận của các nước thành viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để cùng thúc đẩy việc thừa nhận lẫn nhau về kết quả thử nghiệm, chứng nhận, giám định,…

Tương ứng với ILAC, ở tầm quốc tế có Diễn đàn công nhận quốc tế (IAF) cho các tổ chức chứng nhận, giám định. Trong khu vực còn có các tổ chức có sự tham gia hợp tác của các quốc gia: Diễn đàn kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) mà Việt Nam là một thành viên. APEC là tập hợp của các cơ quan quản lý của chính phủ, đại diện cho các quốc gia tham gia vào diễn đàn. Trong diễn đàn này có Tiểu ban về Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp, gọi tắt là APEC/SCSC. Tiểu ban này coi APAC như tiểu ban hỗ trợ các nước trong khu vực về các công việc của APEC, thúc đẩy sự gắn kết, hỗ trợ nhau giữa các quốc gia về hoạt động tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp.

Việt Nam là một thành viên trong cộng đồng kinh tế ASEAN, và trong ASEAN cũng có một Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng (ACCSQ) nhằm thúc đẩy các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp.

ASEAN xác định các nhóm sản phẩm ưu tiên nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa trong khối, qua đó hướng đến mục tiêu hài hòa, thống nhất cách thức quản lý các nhóm sản phẩm hàng hóa này nhằm tăng sự thuận lợi trong giao thương, giảm thiểu các chi phí cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Trong ASEAN hiện có 03 Nhóm công tác về Tiêu chuẩn, bao gồm Working Group on Standards 1 (WG1) - Nhóm công tác về tiêu chuẩn và thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA); WG2: Nhóm công tác về đánh giá sự phù hợp; WG3: Nhóm công tác về đo lường pháp quyền. Hoạt động của các nhóm này góp phần giúp nâng cao chất lượng hạ tầng tiêu chuẩn của các quốc gia thành viên.

Bên cạnh đó, ASEAN còn có các nhóm chung để phát triển từng ngành hàng cụ thể: JSC EEE: Nhóm công tác chung về điện-điện tử, RBPWG: Nhóm công tác về sản phẩm cao su; ACC: Ủy ban mỹ phẩm ASEAN; PPWG: Nhóm công tác về dược phẩm; PFPWG: Nhóm công tác về thực phẩm chế biến sẵn; MDPWG: Nhóm công tác về thiết bị y tế;…

ACCSQ họp 2 lần mỗi năm tại các quốc gia thành viên để cùng cập nhật tình hình các hoạt động thử nghiệm, công nhận, chứng nhận của các quốc gia. Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 1/7/2020, đã có 8140 tổ chức đánh giá sự phù hợp trong ASEAN được công nhận, trong đó riêng Việt Nam có 1.849 tổ chức, bao gồm 1.566 PTN (trong đó có 133 Phòng xét nghiệm y tế, 108 phòng hiệu chuẩn).

“Con số này thể hiện sự phát triển của hoạt động đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam. Nếu so sánh với 10 năm trước, số lượng tổ chức chứng nhận, giám định hay thử nghiệm được công nhận rất ít, đến nay, con số này chỉ sau Indonexia (2.402 tổ chức với 1661 PTN, trong đó có 161 phòng xét nghiệm y tế và 321 phòng hiệu chuẩn)”, TS. Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ.

Dẫn lại nội dung được chia sẻ tại hội thảo “Thách thức và cơ hội đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp” do VinaLAB tổ chức đầu năm 2021, TS. Nguyễn Hoàng Linh cho biết, trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng tốt. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng bình quân 6,8%; GDP tăng 1,4 lần, xuất nhập khẩu thuộc TOP cao trên thế giới. So với 10 năm trước, thay vì phải xoay sở với chống “nhập siêu”, đến nay Việt Nam đã trở thành nước “xuất siêu”, có GDP bình quân đầu người đạt 2,750 USD,… Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn có nhiều yếu tố tác động đến hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng, nhưng với ngành thử nghiệm, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để phát triển, đặc biệt là các PTN lĩnh vực khẩu trang, thiết bị vật tư y tế,... Điều này đặt ra bài toán về việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp.

Chính sách và thách thức đối với hoạt động thử nghiệm

Chia sẻ về những quy định pháp lý, chính sách, thách thức, cơ hội, quan điểm của Việt Nam,… khi gia nhập, mở rộng hợp tác kinh tế với các quốc gia trên thế giới, TS. Nguyễn Hoàng Linh cho biết, thời  gian qua, chính sách quản lý đã ngày càng được chú trọng hơn, trong đó có việc xây dựng các PTN đủ năng lực, được thừa nhận trong khu vực để thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Không chỉ ban hành các chính sách chung, các Bộ, ngành cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản, quy định các yêu cầu của hoạt động thử nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành: Nghị định 107/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành; Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa;…

Để có thể cung cấp dịch vụ cho bên thứ 3, PTN phải đăng ký hoạt động tại Bộ Khoa học và Công nghệ, hoặc Bộ quản lý chuyên ngành, hoặc phải được cơ quan nhà nước chỉ định. Cả nước hiện có gần 800 PTN đã đăng ký và 260 PTN được chỉ định thực hiện thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa và an toàn thực phẩm.

Nhắc lại những thách, cơ hội của hoạt động đánh giá sự phù hợp đã được đề cập tại một hội thảo VinaLAB tổ chức đầu năm 2021, TS. Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh rằng, với ngành thử nghiệm, dịch vụ hỗ trợ đảm bảo kết quả thử nghiệm còn nghèo nàn; Sự hợp tác giữa các PTN còn hạn chế; Năng lực quản lý PTN còn thấp, năng suất lao không cao; Thiết bị, máy móc đầu tư không đồng bộ; thiếu hệ thông thiết bị phù trợ; Không nhiều PTN thực hiện đúng nghĩa cung cấp “dịch vụ thử nghiệm”; đặc biệt là tình trạng thiếu các thử nghiệm viên chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó là các áp lực do chồng chéo trong kiểm tra của nhiều đơn vị (cơ quan quản lý, khách hàng, tổ chức công nhận…); Cạnh tranh giữa các PTN gây khó khăn cho khách hàng, chi phí đánh giá giảm, khó khăn trong tìm kiếm người giỏi,.. Ngoài ra, các PTN còn luôn bị đòi hỏi trong việc nâng cao năng lực thử nghiệm theo các phương pháp mới, yêu cầu mới hay các chất mới.

“Thời gian tới, Hội VinaLAB và các Hội liên quan cần có kế hoạch để cung cấp sớm hơn các dự định, dự kiến về hoạt động thử nghiệm, phục vụ quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi PTN cũng phải xác định được mục tiêu, mục đích của mình để ưu tiên đầu tư, sẵn sàng những năng lực cần thiết để phát triển”, TS. Nguyễn Hoàng Linh đặt vấn đề.

TS. Nguyễn Hoàng Linh: Năm 2021, các Bộ, ngành sẽ ban hành khoảng 60 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến các nhóm sản phẩm hàng hóa. Điều đó đồng nghĩa với các chỉ tiêu, phương pháp thử mới sẽ được ban hành. Đây là nguồn để các PTN xem xét, điều chỉnh hoạt động.

Cơ hội phát triển

Thách thức là vậy nhưng trong bối cảnh hiện nay, ngành phân tích thử nghiệm cũng có nhiều cơ hội mới. Việt Nam có nền kinh tế liên tục phát triển, môi trường chính trị ổn định nên thu hút được nhiều đầu tư để đa dạng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, nhu cầu đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng được chú trọng.

Trước tiến trình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới để thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực nhằm tạo ra những sản phẩm hàng hóa chủ lực để xuất khẩu, điển hình như Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, logistic, đô thị thông minh giai đoạn 2021-2030.

Quyết định 1137/QĐ-TTg ngày 3/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng đã nêu rõ yêu cầu nâng cao năng lực của tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của hàng xuất khẩu chủ lực.

Đề án cũng nêu các mặt hàng chủ lực có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam: Dệt may, giày dép, đồ gỗ, valy, túi xách, điện thoại các loại linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, dây - cáp điện,… cùng các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu: Nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nhựa và sản phẩm nhựa, phân bón, hóa chất.

Ngoài ra, về lĩnh vực ngành cũng đã có các văn bản: Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 30/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2019 về Phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic Việt Nam đến năm 2025; Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 về Phát triển công nghiệp hỗ trợ; Quyết định 950/2018/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh và bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến 2030;…

Lĩnh vực xăng dầu, nhiên liệu, khoáng sản, xây dựng, y tế (Nghị định 83/2014/NĐ-CP; Nghị định 87/2018/NĐ-CP; Quyết định số 49/2011/QĐ-Ttg ngày 01/9/2011; Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg).

Lĩnh vực Công nghệ thông tin và chính phủ điện tử và cuộc cách mạng công nghệp 4.0 (Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/05/2012; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019; Quyết định 950/2018/QĐ-TTg ngày 1/8/2018).

Lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, năng suất chất lượng (Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019; Quyết định 24/2018/QĐ-TTg ngày 18/5/2018; Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 30/8/2020; Thông tư

12/2019/TT-BKHCN ngày 15/11/2019);…

“Thực thi các đề án, chương trình này không thể không có các hoạt động liên quan đến PTN. Do đó, để nắm bắt được các cơ hội, mỗi tổ chức thử nghiệm, chứng nhận phải xác định được lợi thế cạnh tranh của mình, đảm bảo năng lực, đề xuất chính sách, cùng hợp tác và phát triển”, TS. Nguyễn Hoàng Linh khuyến nghị.

Đình Lâm

Bình luận