Theo dòng sự kiện

Vaccine covid-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng: "Tân binh" toả sáng

11/12/2020, 11:26

TNNN - Là người mới, làm công nghệ mới trong làng sản xuất vaccine, Nanogen dẫn đầu trên đường chạy trong nghiên cứu vaccine Covid 19 ở Việt Nam có phải là điều đáng ngạc nhiên?

 
 
Nhà máy sản xuất vaccine của Nanogen. Nguồn: Nanogen

 

Chưa đầy một năm sau khi đại dịch bùng nổ, trong tháng 12 này, một vaccine covid 19 của Việt Nam bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Đây là vaccine được nghiên cứu và phát triển trong thời gian ngắn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Đứng sau thành quả này, là Nanogen, một công ty chưa hề có kinh nghiệm nào trong việc sản xuất vaccine trước đó.

Cũng chưa có một công ty sản xuất vaccine nào của Việt Nam sử dụng công nghệ của Nanogen. Tất cả các vaccine từ trước tới nay của Việt Nam đều sản xuất bằng công nghệ thế hệ thứ nhất: đưa toàn bộ virus đã bất hoạt hoặc làm suy yếu vào cơ thể con người. Nanogen sản xuất vaccine tới đây bằng công nghệ vaccine thế hệ thứ hai, chỉ tiêm một bộ phận – một protein của virus vào cơ thể người mà thôi.

Dù chưa thể hiểu hết về Sars-Cov-2, có một điều chắc chắn về virus này, được khẳng định bởi nhiều công bố khoa học, đó là protein gai của nó (hay còn gọi là protein S) là vùng kháng nguyên gây phản ứng miễn dịch mạnh mẽ nhất ở cơ thể người. Vaccine của Nanogen sẽ chứa các phân tử có kích thước vài nano mét với các protein gai trên bề mặt, có hình dạng tương tự như virus Sars-Cov-2. Khi các phân tử này đi vào cơ thể, hệ miễn dịch của chúng ta cũng đủ “hình dung” Sars-Cov-2 trông như thế nào và tiêu diệt nó.

Các vaccine được sản xuất theo công nghệ dựa trên protein hiện đang bị tụt lại phía sau trong cuộc đua phát triển vaccine covid 19 trên thế giới nhưng nhiều chuyên gia cho rằng “chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”. So với các vaccine thế hệ thứ ba sử dụng công nghệ ADN, mARN như của Pfizer hoàn toàn mới, chưa từng được cấp phép, vaccine được sản xuất theo công nghệ dựa trên protein đã được kiểm chứng tính hiệu quả và tính an toàn từ lâu.

Đã có một loạt vaccine theo công nghệ này thương mại rộng rãi trên thế giới trong hàng chục năm qua như vaccine phòng viêm gan B, vaccine cúm mùa và đặc biệt là vaccine phòng HPV giúp giảm tới hơn 80% số lượng trẻ vị thành niên nữ bị nhiễm virus HPV 16 và 18 (hai loại virus HPV dẫn đến ung thư cổ tử cung) ở Mỹ.

Mặc dù đại diện của Nanogen từ chối mô tả sâu hơn về công nghệ sản xuất vaccine của mình, tuy nhiên, họ có tiết lộ rằng vaccine của công ty được phát triển gần giống với vaccine HPV. Theo đó, protein của virus được nuôi cấy trên một tế bào chủ. Khi protein phát triển sẽ tự biểu hiện thành hình trông như virus Sars-Cov-2. Nhưng đó không phải là virus thật. Nói chính xác hơn, nó chỉ là vỏ của virus Sars-Cov-2, không chứa vật liệu di truyền bên trong nên nó không có khả năng nhân lên hay gây bệnh cho người. Chính vì vậy, theo lý thuyết, vaccine an toàn kể cả đối với những người có khả năng miễn dịch yếu.

Nanogen là một công ty có nhiều cái “đầu tiên”, nếu không muốn nói là một “tay ngang” trong sản xuất vaccine tại Việt Nam. Thậm chí, khi trao đổi với phóng viên của Khoa học và Phát triển, đại diện của Nanogen thành thật chia sẻ rằng cách đây không lâu, công ty thậm chí còn chưa nghĩ tới việc một ngày nào đó mình sẽ làm vaccine.

Tuy nhiên, việc công ty này đi nhanh nhất với một công nghệ mới nhất trong sản xuất vaccine Covid 19 ở Việt Nam lại không có gì lạ. Nanogen đã có gần hai chục năm nghiên cứu và sản xuất thuốc và các sinh phẩm theo công nghệ tái tổ hợp protein. Còn ông Hồ Nhân, CEO và người sáng lập Nanogen, đã dành cả đời theo đuổi công nghệ này, từ khi còn là sinh viên ở Mỹ vào đầu những năm 90.

Một loạt thuốc đang lưu hành của Nanogen giúp hỗ trợ điều trị các bệnh hiểm nghèo như viêm gan siêu vi B, C, ung thư, thiếu máu do suy thận… đều được sản xuất bằng cách nuôi cấy, tổng hợp một loại protein trên tế bào chủ (nấm men, vi khuẩn hay tế bào động vật có vú) rồi đưa vào cơ thể người để tạo ra các phản ứng mong muốn.

Chẳng hạn như thuốc Pegano của Nanogen giúp điều trị viêm gan siêu vi B, C và xơ gan được tạo ra bằng cách cấy gene tổng hợp interferon (một nhóm protein do hệ miễn dịch tạo ra nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai) vào vi khuẩn E.coli, sinh ra peginterferon alfa-2a, khi tiêm vào cơ thể sẽ tiêu diệt đáng kể số virus gây ra viêm gan, hỗ trợ hệ miễn dịch của người bệnh chống chọi với nhiễm trùng. Pegano từng chiếm tới 80% thị phần thuốc điều trị viêm gan siêu vi B, C ở Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với thuốc cùng loại của Roche, một tập đoàn dược khổng lồ của Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, đối với Nanogen, việc phát triển vaccine không đơn giản là tạo ra một loại thuốc điều trị mới. Công ty này vẫn coi quyết định bắt tay vào làm vaccine là một sự phiêu lưu mạo hiểm, mà theo đại diện Nanogen là “làm ngày làm đêm thôi chứ biết có thành công hay không”. Sản phẩm của quá trình nuôi cấy để tạo ra vaccine Covid-19 là loại protein mà công ty này chưa từng gặp trong các thuốc điều trị họ làm trước đây, đòi hỏi họ phải tìm cách xử lý mới. Chính vì vậy, cùng một công nghệ nhưng làm vaccine Covid 19 vẫn là một kĩ thuật hoàn toàn khác.

Hơn nữa, trong khi các vaccine mRNA, DNA tương tự như Pfizer chỉ cần đưa một đoạn gene “trần” của virus vào cơ thể - một công nghệ có thể ứng biến linh hoạt theo từng loại virus, thì công nghệ dựa trên protein không đơn giản như vậy. Vaccine dựa trên công nghệ này không thể cứ thế tiêm protein “trần” của virus vào người là xong.

Nếu không có các chất bổ trợ thì cơ thể người sẽ đào thải nó trước khi kịp nhận biết và tạo ra phản ứng miễn dịch. Quá trình tìm ra hỗn hợp các chất bổ trợ và tối ưu hóa hàm lượng của nó trong mỗi vaccine mỗi khác đòi hỏi các nhà sản xuất sử dụng công nghệ này mất rất nhiều thời gian nghiên cứu và thử nghiệm. “Mỗi lần điều chỉnh là mình phải lại phải thử lại” – đại diện Nanogen cho biết. Quá trình tối ưu hóa này vẫn diễn ra ngày cả khi công ty bước vào giai đoạn tiền lâm sàng trên chuột hamster và khỉ.

Ngoài ra, với các chuyến bay thương mại chở hàng hiếm hoi trong đại dịch khiến công ty này phải chờ đợi cả tháng - gấp đôi, gấp ba thời gian nhập khẩu thông thường để có được nguyên liệu phục vụ nghiên cứu và sản xuất vaccine.

Đại diện Nanogen cũng cho biết là vaccine khi được thử nghiệm trên khỉ cho kết quả đáp ứng miễn dịch “rất tốt”. Tuy nhiên, kể cả “rất tốt”, kết quả thử nghiệm trên động vật không thể “nối” được sang người. Đặc biệt, nếu muốn biết phản ứng đối với vaccine ở người cao tuổi thì lại càng khó, vì “không có định nghĩa nào là già ở động vật cả”, theo ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên vắcxin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), một trong ba công ty đang nghiên cứu Covid 19 tại Việt Nam cùng với Nanogen. Hiệu quả vaccine của Nanogen đến đâu phụ thuộc phần lớn vào quá trình thử nghiệm lâm sàng diễn ra sắp tới.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I trên 40 người sẽ do Học viện Quân Y đảm nhiệm và theo đại diện của Nanogen đánh giá là tuyển tình nguyện viên “rất nhanh”. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II trên 400 – 600 người sẽ có thêm sự hỗ trợ của viện Pasteur, thành phố Hồ Chí Minh. Nếu tốt đẹp, họ sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn III.

Tuy nhiên, giai đoạn cuối sẽ đầy “tranh cãi” vì đòi hỏi trong số người được tiêm, phải có người nhiễm bệnh mới có thể tính được hiệu lực của vaccine. Nhiều nước không thể triển khai được giai đoạn III vì không có bệnh nhân như Trung Quốc hoặc số người được tiêm bị nhiễm bệnh quá ít, không đủ để đánh giá hiệu lực của vaccine như Nga (thử vaccine trên hơn 40 ngàn người nhưng chỉ có 20 người nhiễm bệnh).

Cũng không thể sử dụng các kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của các vaccine đã ra thị trường như Pfizer làm đối chứng vì vaccine đó quá mới, chưa đủ thời gian chứng minh hiệu quả và tính an toàn trên diện rộng. Ngoài ra, mức độ bảo vệ của vaccine Nanogen đến đâu, có tạo được miễn dịch ở vùng mũi, hầu họng không? Nếu không, thì virus vẫn có thể lưu trú kể cả trên người đã được tiêm vaccine và lây truyền trong cộng đồng với những người chưa tiêm.

Nhưng, đó là những câu hỏi của tương lai. Nanogen vẫn đang bận rộn với hai pha thử nghiệm lâm sàng đầu tiên với số lượng người tham gia nhiều chưa từng thấy trong sự nghiệp làm thuốc của họ. Cũng giống như tinh thần “cứ đi là đến” khi đột ngột quyết định làm vaccine, họ tự làm từ đầu đến cuối, không tham gia vào liên minh vaccine nào trên thế giới cũng như chưa nhận một đồng tài trợ nào từ bên ngoài. Giờ đây, khi đứng trước giai đoạn cam go nhất sau năm tháng nghiên cứu vaccine, Nanogen cũng vẫn bình thản như vậy: “Pha III lúc đó xong pha II thì tính tiếp thôi”.

Nguồn: Khoa học & Phát triển

 

Bình luận