Theo dòng sự kiện

Các chương trình khoa học công nghệ tác động mạnh mẽ đến ngành phân tích, thử nghiệm

17/05/2021, 06:19

TNNN – Các Chương trình Khoa học Công nghệ quốc gia kiến tạo ra những sân chơi và đột phá mới, thúc đẩy hoạt động của ngành phân tích, thử nghiệm.

Đây là khẳng định của Phó cục trưởng Cục Thông tin Khoa học Công nghệ Quốc gia - ThS. Vũ Anh Tuấn tại hội thảo “Cơ hội và thách thức đối với ngành phân tích, thử nghiệm Việt Nam giai đoạn 2021-2025” diễn ra mới đây, tại Hà Nội.

Theo ông Tuấn, phần lớn các Chương trình khoa học công nghệ có ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động của 4 Bộ, gồm: Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).


Phó cục trưởng Cục Thông tin Khoa học Công nghệ Quốc gia - Vũ Anh Tuấn chia sẻ thông tin về các chương trình khoa học công nghệ. Ảnh: Vũ Hải 

Trích dẫn mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, ông Tuấn cho biết, Việt Nam phấn đấu có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đề cao việc thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Để đạt được những mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh đến việc phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.

Ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ, Chiến lược KH&CN 2010-2020 đã kết thúc và đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bộ KH&CN đang tổng kết, đánh giá và xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, và các Chương trình KH&CN quốc gia trọng điểm; thực hiện tái cơ cấu và tổ chức triển khai các Chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.


Bên lề hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi những thông tin hữu ích liên quan. Ảnh: Vũ Hải

Cùng với bổ sung, cập nhật các nội dung và lĩnh vực khoa học công nghệ mới, Chiến lược phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 cũng sẽ tiếp tục kế thừa và thực hiện các Chương trình, Đề án quốc gia: “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số: 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018); Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/08/2020); Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (Quyết định số: 130/QĐ-TTg ngày 17/1/2021); Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 (Quyết định số: 118/QĐ-TTg ngày 25/1/2021); Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số: 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015); Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 (Quyết định 20/QĐ-TTg ngày 04/1/2012); Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số: 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021); Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 (Quyết định số: 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020); Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 12/1/2016);…

Dẫn ví dụ về “Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ông Tuấn cho biết, đề án nhằm phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành và địa phương.

Bên cạnh đó, đề án còn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp; Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường;

Đề án cũng nhằm xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp

Theo lộ trình, đến năm 2025, Việt Nam phải phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt; công nhận ít nhất 200 (năm 2030 là 300) phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); Thống nhất chung định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp bộ ngành, địa phương; Phát triển được ít nhất 100 (năm 2030 là 250) chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp.

Cùng với đó là triển khai các chương trình: Đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 50.000 doanh nghiệp (năm 2030 là 100.000 doanh nghiệp) bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân; Áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 1.000 (năm 2030 là 2.000) phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.


Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Vũ Hải

Ông Vũ Anh Tuấn cho biết, mục tiêu chung của Chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 65%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất chất lượng tại các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.

Giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 70-75%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1.000 chuyên gia năng suất chất lượng, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Giai đoạn 2021 - 2030: Số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa hàng năm tăng từ 10 - 15%; có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc. Tăng cường năng lực cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực.

Phúc Anh

Bình luận