Quy định về công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi
TNNN - Các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản phải công bố hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường.
- Tăng cường xử phạt các vi phạm quy định về chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi
- Một số quy định mới về xử phạt hành chính lĩnh vực chăn nuôi có hiệu lực từ 20/4/2021
Quy định về công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi
Từ 01/7/2020, Thông tư số 04/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/3/2020 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản (QCVN 01 - 190: 2020/BNNPTNT) chính thức có hiệu lực.
Theo đó, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam phải công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường. Riêng hộ kinh doanh (sản xuất, mua bán, sơ chế) thức ăn truyền thống thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản, không phải công bố hợp quy.
Tổ chức, cá nhân công bố hợp quy được lựa chọn 01 trong 03 hình thức sau: Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân. Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật. Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật.
Đối với thức ăn bổ sung: Tổ chức, cá nhân công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định theo quy định của pháp luật.
Chuyên gia của VinaCert đánh giá giám sát hiệu lực Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000 tại Nhà máy thức ăn chăn nuôi thuộc Công ty TNHH Emivest Feedmill (TG) Việt Nam. Ảnh TL VinaCert.
Về phương thức đánh giá, trình tự thủ tục công bố hợp quy
Phương thức đánh giá hợp quy được thực hiện theo phương thức 5 hoặc phương thức 7 của Thông tư 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN) và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN (Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN).
Trường hợp cơ sở sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản còn hiệu lực thì không phải đánh giá quá trình sản xuất.
Mỗi sản phẩm công bố hợp quy phải được lấy mẫu thử nghiệm để đánh giá sự phù hợp đối với tất cả các chỉ tiêu quy định tại Quy chuẩn này. Mỗi sản phẩm sản xuất trong nước đã công bố hợp quy theo phương thức 5 phải được lấy mẫu để đánh giá giám sát với tần suất không quá 12 tháng/1 lần và thử nghiệm tất cả các chỉ tiêu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật này với tần suất ít nhất 03 năm/lần/chỉ tiêu.
Việc lấy mẫu thử nghiệm để đánh giá sự phù hợp thực hiện theo quy định của Bộ NN&PTNT hoặc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc Tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Về trình tự, thủ tục công bố hợp quy đối với sản phẩm sản xuất trong nước, được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy là cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương nơi tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc đăng ký kinh doanh, bao gồm: Sở NN&PTNT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thức ăn chăn nuôi hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thức ăn thủy sản được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ.
Về công bố hợp quy đối với sản phẩm đồng thời là thức ăn truyền thống và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản: Tổ chức, cá nhân chỉ cần thực hiện 01 thủ tục công bố hợp quy theo nguyên tắc: Đánh giá sự phù hợp tất cả các chỉ tiêu an toàn của sản phẩm quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật này; Trường hợp lựa chọn hình thức công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận: Tổ chức, cá nhân lựa chọn tổ chức chứng nhận hợp quy thức ăn chăn nuôi hoặc tổ chức chứng nhận hợp quy thức ăn thủy sản để đánh giá sản phẩm. Tổ chức chứng nhận cấp Giấy chứng nhận trong đó có nội dung “sản phẩm phù hợp yêu cầu kỹ thuật của thức ăn truyền thống và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản”; Lựa chọn 01 cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN để nộp hồ sơ công bố hợp quy. Cơ quan tiếp nhận ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy trong đó có nội dung “sản phẩm phù hợp yêu cầu kỹ thuật của thức ăn truyền thống và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản”.
Đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản nhập khẩu, trình tự, thủ tục công bố hợp quy được thực hiện theo quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa; pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; pháp luật về quản lý thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản. Kết quả đánh giá sự phù hợp những chỉ tiêu an toàn quy định giống nhau giữa thức ăn truyền thống và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản quy định tại QCVN 01 - 190: 2020/BNNPTNT được thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra chất lượng thức ăn truyền thống, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản nhập khẩu.
Minh Tâm