Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập
TNNN - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Phạm Công Tạc, tại hội thảo tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ diễn ra ngày 12/1, tại Hà Nội.
- Tăng quyền sở hữu trí tuệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- EVFTA và bài toán sở hữu trí tuệ
- Sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng là hai trụ cột KH&CN
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc, việc sửa đổi Luật SHTT là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động SHTT của Việt Nam; phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.
Toàn cảnh Hội thảo.
Hội thảo lần này được tổ chức nhằm thuyết minh, lấy ý kiến các đại biểu về những nội dung sửa đổi trong dự án Luật, bao gồm 03 nhóm: các vấn đề sửa đổi trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; các vấn đề sửa đổi trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan và các vấn đề sửa đổi trong lĩnh vực giống cây trồng.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật để trình Chính phủ theo kế hoạch.
Việc sửa đổi Luật lần này cần tập trung vào các nhóm chính sách lớn. Mỗi nhóm chính sách lớn sẽ bổ sung, cụ thể hóa quy định hiện hành, hoặc đề xuất giải pháp, chính sách mới. Qua đó, giúp tổ chức, doanh nghiệp có cơ sở pháp lý để thảo thuận, ký kết với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan khi khai thác, sử dụng tác phẩm.
Tổ chức, cá nhân được giao quyền đăng ký có động lực và cơ hội cho việc quản lý, khai thác có hiệu quả các sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Người dân thu được lợi ích từ việc tiếp cận và thụ hưởng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao cũng như có thêm cơ hội thụ hưởng thành quả công nghệ là kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN do Nhà nước đầu tư…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc – Phó trưởng Ban soạn thảo phát biểu tại hội thảo.
Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ sửa đổi 80 điều của 14 chương. Sau khi sửa đổi, bổ sung, Luật Sở hữu trí tuệ sẽ có 18 chương và 235 điều và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).
Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14), là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ.
Qua thực tiễn 15 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trước bối cảnh mới với nhiều chuyển biến mạnh mẽ tác động đến mọi mặt của kinh tế - xã hội như quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng cũng như mục tiêu hướng tới một chính phủ kiến tạo, việc sửa đổi Luật SHTT trong giai đoạn hiện nay trở nên cần thiết hơn bao giờ hết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập.
Đến nay, Dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự án Luật và Dự thảo số 2 của dự án Luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ KH&CN để lấy ý kiến rộng rãi. Bên cạnh việc lấy ý kiến dưới hình thức văn bản, Bộ KH&CN đã và đang tổ chức một số hội thảo, tọa đàm để trực tiếp trao đổi và ghi nhận ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, triển khai các hoạt động hợp tác song phương với nhiều đối tác lớn, trong đó có Vương quốc Anh, để hỗ trợ thi hành cam kết quốc tế về SHTT.
TNNN