Vi phạm về quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật có thể bị phạt đến 40 triệu
TNNN – Hành vi quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam có thể bị phạt cao nhất đến 40 triệu đồng.
- Quy định về công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi
- Một số quy định mới về xử phạt hành chính lĩnh vực chăn nuôi có hiệu lực từ 20/4/2021
- Tăng cường xử phạt các vi phạm quy định về chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Nghị định gồm 05 Chương, 74 Điều, có hiệu lực từ ngày 1/6/2021. Các hành vi không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Theo đó, từ Điều 57 đến Điều 60 của Nghị định 38/2021/NĐ-CP đã quy định rõ các hành vi vi phạm quảng cáo hóa chất, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, bao gồm các vi phạm về quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y; phân bón; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, chất cải tạo môi trường chăn nuôi, chất cải tạo môi trường thủy sản, cụ thể như sau:
Khách hàng, đối tác của VinaCert thăm quan và nghe giới thiệu về năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu liên quan đến vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Các chỉ tiêu VinaCert thực hiện đều đã được quốc tế công nhận và được cơ quan nhà nước chỉ định, ủy quyền thực hiện phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng.
Với quảng cáo thuốc BVTV, sinh vật có ích dùng trong BVTV, nếu vi phạm một trong các hành vi: Quảng cáo thuốc BVTV không đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV; Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong BVTV không phù hợp với Giấy phép kiểm dịch thực vật, tổ chức, hoặc cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền với mức từ 5 triệu đến 10 triệu đồng (khoản 1 Điều 57).
Với một trong các hành vi vi phạm về quảng cáo thuốc BVTV không có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam; Quảng cáo thuốc BVTV, sinh vật có ích dùng trong BVTV thiếu một trong các nội dung: tên sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; tính năng, tác dụng và những điều cần lưu ý khi sử dụng, bảo quản, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (khoản 2 Điều 57).
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay, nhiều nông dân vẫn đang sử dụng thuốc BVTV dựa trên thói quen hoặc làm theo hướng dẫn của các đại lý bán thuốc. Mặt khác, do tâm lí “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nên nhiều người dân có khuynh hướng phun thuốc theo quảng cáo, sử dụng thuốc theo “kinh nghiệm truyền miệng”, tự ý phối trộn nhiều loại thuốc khác nhau (bao gồm cả các loại thuốc bị cấm) để sử dụng mà không quan tâm đến khuyến cáo của nhà sản xuất, hoặc người làm công tác BVTV.
Cũng theo Cục BVTV, việc sử dụng thuốc BVTV đúng mang lại hiệu quả và năng suất cho cây trồng, nhưng nếu lạm dụng, dùng không đúng thì không những có nguy cơ gây ảnh hưởng đến mùa vụ hiện tại mà còn gây hậu quả lâu dài cho đồng ruộng cũng như môi trường đất, nước do nhiễm hóa chất độc hại.
Việc quảng cáo thuốc BVTV quá mức có thể dẫn đến việc lạm dụng thuốc BVTV của người nông dân. Theo đó, với hành vi quảng cáo thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam, tổ chức hoặc cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 25 triệu đến 40 triệu đồng (khoản 3 Điều 57).
Tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục: Cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm; tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo.
Với các vi phạm quy định về quảng cáo thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y, Điều 58 quy định mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thuốc thú y không đúng nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành; Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thuốc thú y khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận lưu hành.
Tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: Cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm; Tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi vi phạm theo quy định.
Vi phạm về quảng cáo phân bón có thể bị xử phạt đến 30 triệu đồng
Với các hành vi quảng cáo phân bón không đúng với nội dung ghi trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, khoản 1 Điều 59 quy định mức phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.
Đối với hành vi quảng cáo phân bón mà thiếu một trong các nội dung: Tên phân bón; Xuất xứ, nguyên liệu trong chế biến; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Mức phạt tiền theo quy định tại khoản 2 Điều 59 là từ 15 triệu đến 20 triệu đồng.
Hành vi quảng cáo phân bón chưa có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, mức phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng (khoản 3 Điều 59).
Tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục: Buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm theo quy định; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo cáo đối với hành vi phạm theo quy định.
Với các vi phạm quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, chất cải tạo môi trường chăn nuôi, chất cải tạo môi trường thủy sản, Điều 60 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.
Tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục: Buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm theo quy định; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi phạm theo quy định.
Nghị định 38/2021/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về thẩm quyền của các cơ quan chức năng (Công an, Quản lý thị trường,…) trong việc lập biên bản vi phạm hành chính; xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực quảng cáo liên quan đến thuốc BVTV, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y, phân bón,...
Minh Tâm