Đẩy mạnh đầu tư nhằm nâng cao năng lực chế biến rau quả
TNNN - Đây là một trong những nội dung chính của Đề án phát triển ngành chế biển rau quả giai đoạn 2021 – 2030.
- Đà Nẵng công bố 18 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp thành phố
- Mô hình thử nghiệm trồng rau công nghệ cao của Nhật Bản
Sơ chế rau tại Chuỗi an toàn thực phẩm Việt Nam (VfSC) - Công ty Cổ phần Vifotec. Ảnh: Vũ Hải
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biển rau quả giai đoạn 2021 – 2030 (Đề án - ban hành kèm Quyết định 417/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) nhằm phát triển ngành chế biến rau quả trở thành ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Đảng và Nhà nước.
Đề án được phê duyệt nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội để phục vụ phát triển ngành chế biến rau quả phù hợp với đặc thù của từng địa phương thông qua các định hướng, giải pháp, cơ chế chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo điều kiện và môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Đề án cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các trung tâm chiếu xạ thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế gắn với các vùng sản xuất rau quả tập trung, quy mô lớn; Đẩy mạnh chế biến các sản phẩm rau quả chủ lực, sản phẩm có giá trị gia tăng cao;…
Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8 đến 10 tỷ USD; trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020.
Đề án cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 thu hút đầu tư mới 50-60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ cụ thể của Đề án là đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực chế biến rau quả; phát triển cơ sở sơ chế, bảo quản rau quả tươi; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm rau quả chủ lực, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ rau quả.
Trong đó, xây dựng hệ thống cơ sở sơ chế, đóng gói và kho mát bảo quản rau quả tươi có quy mô và trang thiết bị phù hợp với sản lượng và đặc tính cho các loại rau quả chủ lực nhằm giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó, 57 địa phương đã có quyết định chính thức công nhận kết quả. Cụ thể: Có 4.469/6.210 (72%) sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020). Trong đó, 62,2% sản phẩm đạt 3 sao, 36,2% sản phẩm đạt 4 sao và 1,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hội đồng OCOP quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao được các địa phương đăng ký; Có 2.439/2.961 (82,4%) chủ thể tham gia có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó: 38,3% là HTX, 27,5% là doanh nghiệp, 31,5% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác.
Thu hút mạnh đầu tư để đến năm 2030, đảm bảo tại những khu vực sản xuất rau quả tập trung, hợp tác xã sản xuất và tại các cơ sở, đại lý thu gom lớn được đầu tư máy, trang thiết bị, xưởng sơ chế, đóng gói và kho mát với quy mô phù hợp để hình thành hệ thống các cơ sở sơ chế, đóng gói đồng bộ.
Đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu rau quả và phế phụ phẩm sau chế biến; phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân trên 10%/năm; tập trung chế biến các nhóm sản phẩm chủ lực: Rau quả đóng hộp; rau quả đông lạnh; nước ép và pure rau quả; rau quả sấy, snack và rau quả muối. Chế biến đa dạng hóa sản phẩm những mặt hàng rau qủa còn nhiều dư địa về thị trường mà Việt Nam có lợi thế về sản xuất và tỷ lệ đưa vào chế biến còn thấp: thanh long, bơ, vải, nhãn, mít, xoài, chuối, quả có múi, dưa hấu và các loại rau cải, xu hào, cà chua, dưa chuột, cà rốt, rau gia vị,…
Phát triển chế biến rau quả đặc sản địa phương, vùng miền và sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) nhằm ổn định, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm và kéo dài thời gian sử dụng.Để tổ chức sản xuất rau quả nguyên liệu phục vụ chế biến, Đề án chủ trương xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả đảm bảo nguyên liệu được cung cấp (khoảng 5 đến 6 triệu tấn vào năm 2030) có chất lượng và an toàn thực phẩm cho hoạt động chế biến; Thực hiện từng bước chuyển đổi số trong sản xuất rau quả dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về đất đai, cây trồng, môi trường, thời tiết, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Về phát triển thị trường tiêu thụ rau qủa, Đề án yêu cầu tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường; cập nhật thông tin về chính sách thương mại của các quốc gia, của từng thị trường về thị phần, thị hiếu, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các rào cản kỹ thuật, thuế quan để định hướng cho sản xuất, chế biến rau quả trong nước.
Vũ Hải