Nhiều tiếp cận chiến lược trong nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19
TNNN - Ngành dược phẩm và y tế thế giới đang chạy đua cùng thời gian để nghiên cứu, phát triển vaccine covid-19.
- Bắt đầu thử nghiệm vaccine coronavirus: Năm câu hỏi chính
- Trung Quốc thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn 2
- Kỹ thuật xét nghiệm Realtime RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2 thực hiện như thế nào?
Bệnh dịch covid-19 đã khiến hơn 4,8 triệu người mắc và gần 317 nghìn người tử vong trên toàn thế giới (số liệu cập nhật đến 19/5/2020 của Tổ chức Y tế thế giới - WHO). Để chống lại đại dịch này, ngành dược phẩm và y tế thế giới đang bước vào cuộc chạy đua để nghiên cứu, phát triển vaccine. Trong cuộc đua này, quốc tế ghi nhận nhiều cách tiếp cận chiến lược khác nhau của các nhà khoa học và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.
Đại học Oxford, nơi dẫn đầu các thử nghiệm lâm sàng về phát triển vaccine coronavirus. Ảnh: marketwatch.com
Có vaccine Covid-19 vào tháng 9/2020?
Đại học Oxford (Anh) đã thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 với số lượng lớn trên khỉ và các tình nguyện viên. Nếu vaccine đạt hiệu quả, Đại học Oxford sẽ bắt đầu sản xuất vài triệu liều vào tháng 9 tới. Số vaccine này được ưu tiên dành cho nhân viên y tế.
TS Emilio Emini, Giám đốc chương trình vaccine của Quỹ Bill và Melinda Gates, nhận xét: "Chương trình thử nghiệm lâm sàng của họ diễn tiến rất nhanh".
Theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Scitechdaily ngày 18/5/2020, trong giai đoạn 1, các nhà khoa học đã sử dụng một liều duy nhất vaccine ChAdOx1 nCoV-19 để tiêm cho 6 con khỉ. Kết quả, vaccine đã bảo vệ 6 con khỉ không mắc các triệu chứng viêm phổi do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Theo đánh giá của WHO, trong số 8 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người và 110 loại vaccine đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng, có ba dự án mang lại nhiều hứa hẹn: Dự án của Đại học Oxford, Dự án vaccine Ad5-nCoV ở Canada và vaccine mRNA-1273 của Mỹ.
Trước đó, kết quả nghiên cứu này đã được chia sẻ trên trang bioRxiv, tuy chưa được đánh giá bởi các đồng nghiệp khác nhưng vẫn được chia sẻ rộng rãi nhằm hỗ trợ yêu cầu công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng đối với COVID-19.
Vaccine ChAdOx1 nCoV-19 được phát triển tại Viện Đại học Oxford trên cơ sở phát triển một loại adenovirus gây cảm lạnh trên tinh tinh là ChAdOx1. Virus này sẽ được làm suy yếu trước khi đưa vào cơ thể người.
ChAdOx1 chứa gen mã hoá cho protein S của SARS-CoV-2 và được sử dụng để phát triển vaccine chống lại một số mầm bệnh, bao gồm cả một loại coronavirus có liên quan chặt chẽ đến hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Các nhà khoa học đã tập trung điều chỉnh nền tảng này thành SARS-CoV-2 khi các trường hợp đầu tiên của COVID-19 xuất hiện. Họ đã chỉ ra rằng, vaccine nhanh chóng tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 ở chuột và khỉ macaque rhesus. Sau đó, họ đã tiến hành thử nghiệm hiệu quả vaccine trên các con khỉ tại Phòng thí nghiệm Rocky Mountain (RML) của NIAID ở Hamilton, Montana.
Cả 6 con khỉ được tiêm vaccine đều được theo dõi trong 28 ngày trước khi bị nhiễm SARS-CoV-2 và được đối chứng với 3 động vật không được tiêm vaccine.
Các động vật được tiêm phòng đã không có dấu hiệu sao chép virus trong phổi, mức độ bệnh hô hấp thấp hơn đáng kể và không có tổn thương phổi so với động vật đối chứng.
Thử nghiệm vaccine Ad5-nCoV ở Canada
Trung tuần tháng 5/2020, Ủy ban nghiên cứu quốc gia Canada đã ký thỏa thuận với CanSino Biologics để thử nghiệm giai đoạn 2 và giai đoạn 3 vaccine Ad5-nCoV ở Đại học Dalhousie (tỉnh Nova Scotia, Canada) vào tháng 6/2020.
Kết quả các nghiên cứu tiền lâm sàng của Ad5-nCoV trên động vật cho thấy, vaccine có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Các nghiên cứu tiền lâm sàng về an toàn động vật cũng chứng minh vaccine có độ an toàn cao.
Trong giai đoạn 2, một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên sẽ được thực hiện nhằm kiểm soát giả dược, đánh giá sự an toàn và miễn dịch của vaccine tái tổ hợp Novel coronavirus (Adenovirus Vector) ở người trưởng thành khỏe mạnh.
Thử nghiệm lâm sàng này được thiết kế để đánh giá khả năng miễn dịch và độ an toàn của Ad5-nCoV, mã hóa cho protein tăng đột biến (S) có độ dài đầy đủ của SARS-CoV-2.
Các thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên, sử dụng phương pháp mù đôi (cả bác sĩ và bệnh nhân không biết đang sử dụng thuốc giả hay thật) và đối chứng giả dược được tiến hành ở Tiêu Tác, trung tâm tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Vaccine Ad5-nCoV được phát triển dựa trên vec-tơ loại 5 adenovirus hiện đang được phát triển ở giai đoạn II tại Vũ Hán, Trung Quốc. CanSinoBIO và NRC đã có mối quan hệ từ năm 2013 và vaccine Ad5-nCoV được phát triển bằng cách sử dụng các dòng tế bào được phát triển tại NRC - một tổ chức nghiên cứu và phát triển liên bang có trụ sở tại Ottawa.
Hình ảnh quét trên kính hiển vi điện tử cho thấy SARS-CoV-2 (màu cam) được gọi là 2019-nCoV, loại virus gây ra COVID-19, được phân lập từ một bệnh nhân ở Mỹ, nổi lên từ bề mặt tế bào (màu xanh lá cây) được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Hình ảnh được chụp tại Phòng thí nghiệm Rocky Mountain (RML) của NIAID ở Hamilton, Montana. Nguồn ảnh: NIAID
Thử nghiệm thành công vaccine Covid-19 tại Mỹ
Công ty công nghệ sinh học Moderna ở bang Massachusetts (Mỹ) đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và nguồn lực để thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine ngừa COVID-19 trên 600 bệnh nhân.
Kết quả được công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) công bố ngày 18/5 và đây là vaccine Covid-19 đầu tiên thử nghiệm trên người được đánh giá ban đầu là toàn và có khả năng kích thích phản ứng miễn dịch.
8 tình nguyện viên được tiêm thử hai liều vaccine, bắt đầu từ tháng 3 năm nay. Kết quả cho thấy, nồng độ kháng thể sản sinh bằng với người đã khỏi Covid-19, đủ để ngăn ngừa virus nhân lên.
Từ thành công bước đầu này, Moderna đang tăng tốc để bước vào giai đoạn hai với sự tham gia của 600 người. Giai đoạn ba dự kiến diễn ra vào tháng 7 với sự tham gia của hàng nghìn tình nguyện viên khoẻ mạnh.
“Nếu kết quả khả quan, vaccine ngừa Covid-19 dự kiến sẽ có vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021”, Tiến sĩ Tal Zaks, giám đốc y tế của Moderna cho biết và khẳng định rằng. "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để sản xuất nhiều nhất có thể".
Trả lời kênh truyền hình ABC vào cuối tháng 4 vừa qua, TS. Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) của Mỹ bày tỏ tin tưởng rằng, “Có thể làm được nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp như dự kiến, đầu năm tới sẽ có hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19 cung cấp cho thị trường".
Bước tiếp cận mới của Việt Nam
Ngay sau khi trình tự gene của Covid-19 được công bố, công ty VABIOTECH đã nhanh chóng hợp tác cùng Đại học Bristol - Anh để nghiên cứu vaccine phòng virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus. Đây là hệ thống được cài đặt một hoặc nhiều vùng gene mã hóa vùng kháng nguyên mong muốn. Khi tiêm chủng, kháng nguyên protein sẽ được biểu hiện tương tác với vật chủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng tác nhân đích gây bệnh.
TS. Đỗ Tuấn Đạt cho biết, “Sau 10 ngày tiêm, chuột thí nghiệm khỏe mạnh, tiếp tục theo dõi các đáp ứng miễn dịch trong giai đoạn 1. Có thể nói đây là thành công bước đầu của nghiên cứu. Công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau sẽ nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gene, giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vaccine”.
Các mẫu máu của chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về tính đáp ứng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2. Nếu đáp ứng miễn dịch tốt tức là tính kháng nguyên của chủng vaccine hoạt động tốt.
TS. Mạc Văn Trọng, phòng Công nghệ cao Công ty VABIOTECH cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là công nghệ, vì thế giới hầu hết đều chưa có mẫu chuẩn nên chưa có mẫu đối chứng.
Thông tin thêm về vaccine Covid-19
16/5/2020 - Thủ tướng Trudeau của Canada đã công bố thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về vaccine phòng bệnh COVID-19 tiềm năng, được gọi là Ad5-nCoV COVID-19, đã được Bộ Y tế Canada phê duyệt.
14/5/2020 - Đại học Oxford công bố các thông tin liên quan đến vaccine ChAdOx1 nCoV-19.
13/5/2020 - Một nghiên cứu không được đánh giá cho thấy rằng việc tiêm vaccine duy nhất với ChAdOx1 nCoV-19 có hiệu quả trong việc ngăn ngừa tổn thương phổi gây ra bởi SARS-CoV-2 khi được tiêm liều cao.
30/4/2020 - AstraZeneca và Đại học Oxford đã công bố một thỏa thuận về phát triển và phân phối toàn cầu vaccine adenovirus tái tổ hợp nhằm ngăn ngừa bệnh COVID-19 khỏi nhiễm trùng coronavirus SARS-CoV-2.
28/4/2020 - Viện Huyết thanh Ấn Độ cho biết họ có kế hoạch sản xuất tới 60 triệu liều vaccine chống lại coronavirus mới đang được thử nghiệm lâm sàng ở Anh.
24/4/2020 - Vaccitech thông báo rằng, các nhà sáng lập khoa học của mình tại Viện Jenner, Đại học Oxford, đã bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên các tình nguyện viên.
23/4/2020 - Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford đã bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 ở người tình nguyện ở Oxford. Khoảng 1.110 người sẽ tham gia thử nghiệm, một nửa nhận vaccine và nhóm đối chứng nhận vaccine viêm màng não có sẵn.
Vũ Hải (tổng hợp và biên soạn)