Theo dòng sự kiện

Nông sản Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu

29/05/2020, 16:04

TNNN – Chất lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam ngày càng nâng cao, tạo tiền đề cho việc mở rộng và tham gia vào các chuỗi giá trị, xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ngày càng chinh phục được nhiều hơn những thị trường được đánh giá là “khó tính” trên thế giới, với những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm.

Trong số các mặt hàng nông sản, gần đây, quả vải thiều của Việt Nam đã được người tiêu dùng, doanh nghiệp thương mại ở các nước nhập khẩu đánh giá là có chất lượng tốt nhất thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ chỗ chỉ xuất khẩu chủ yếu sang thị Trung Quốc qua tiểu ngạch, đến nay quả vải thiều của Việt Nam đã xuất khẩu sang được gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường “khó tính” như Mỹ, EU, Canada, Australia… Vải thiều xuất khẩu đạt trên 50% tổng sản lượng của sản phẩm này.

Nhiều năm về trước, nông dân trồng vải tự do, chất lượng kém, hay bị sâu đầu nên thường bị thương lái ép mua với giá rẻ. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, giá trị thu được từ quả vải đã tăng lên gấp nhiều lần.

Bước vào vụ vải thiều 2020, doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu những container vải thiều đầu tiên sang thị trường Singapore, Australia và Mỹ.


Năm 2020, Hải Dương có thêm 19 vùng sản xuất vải được cấp mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Mỹ, Australia, EU, với diện tích 170ha, sản lượng dự kiến 1.000 tấn.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, hiện nay toàn tỉnh có 9.750 ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà có 3.600 ha, TP. Chí Linh 3.900 ha, số còn lại ở các huyện khác. Tổng sản lượng vải thiều của toàn tỉnh ước đạt 45.000 tấn, tăng hơn 20.000 tấn so với vụ năm 2019. Trà vải sớm thu hoạch trong khoảng 1 tháng (từ 5/5 – 5/6). Vải chính vụ đạt khoảng 25.000 tấn, tăng gấp 3 - 4 lần so với năm trước, thời gian thu hoạch từ ngày 5/6 đến cuối tháng 6.

Việc tiêu thụ vải thiều đầu vụ khá thuận lợi do số thương nhân - đại diện các doanh nghiệp, siêu thị, trên cả nước tìm về thu mua nhiều hơn các năm trước.

Vải thiều sớm đang thu hoạch có sản lượng khá cao, mẫu mã đẹp, bảo đảm chất lượng, giá bán cao hơn năm trước từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Các mẫu quả vải trong vùng xuất khẩu do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và các doanh nghiệp lấy mẫu, mang đi phân tích đều bảo đảm các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng.

Tuy nhiên theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), với các thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ… việc xuất khẩu vải thiều có nhiều thuận lợi do đã có sự chuẩn bị và tiếp cận từ nhiều năm qua.

Riêng năm 2020, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát và có nhiều diễn biến phức tạp, để thuận tiện cho việc xuất khẩu sản phẩm vải thiều, Chính phủ đã có nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, điển hình như việc Australia đã chấp thuận thực hiện chiếu xạ cho quả vải tại Hà Nội.

“Nhờ ứng dụng những cải tiến về công nghệ, việc bảo quản vải tươi của Việt Nam có thể kéo dài đến 35 ngày, thuận lợi cho việc xuất khẩu bằng đường biển”, ông Hoàng Trung cho biết và khẳng định: “Riêng với thị trường Nhật Bản, chất lượng quả vải tại các vùng vải xuất khẩu (Bắc Giang, Hải Dương) đều đạt các yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu. Các điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu quả vải tươi sang Nhật đều đã sẵn sàng”.

Yêu cầu đối với vải thiều tươi xuất khẩu sang Nhật Bản

Các tiêu chí về thành phần lý hóa của quả vải thiều xuất khẩu: độ Brix từ 19,56% đến 20,72%; đường tổng số từ 16,33% đến 16,70%; đường khử từ 14,92% đến 15,38%; độ chua từ 0,22% đến 0,24%; hàm lượng nước từ 81,18% đến 82,33%; chất khô từ 17,67% đến 18,82% và hàm lượng Vitamin C từ 22,57% đến 24,16%.

Ngày 16/12/2019, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN&PTNT Việt Nam về việc chính phủ nước này đồng ý cho phép nhập khẩu quả vải thiều tươi của Việt Nam.

Đây là kết quả nổi bật sau 5 năm đàm phán mở cửa thị trường của cơ quan chức năng hai nước, mở ra cánh cửa mới để sản phẩm vải thiều Việt Nam góp mặt ở một thị trường mới, một thị trường này rất “khó tính” nhưng lại rất giàu tiềm năng. 

Trong khi vải thiều ở Việt Nam dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, giá loại quả này ở Nhật Bản đắt gấp 8-10 lần. Có thời điểm, giá bán lên tới gần 1 triệu đồng/15 quả.

Cùng với văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật, phía Nhật Bản cũng gửi kèm Quy định (có hiệu lực từ ngày 15/12/2019) về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam.

Theo đó, quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản phải đáp ứng các yêu cầu:

1. Yêu cầu về vườn trồng

Vườn trồng vải thiều phải đảm bảo có thể truy xuất nguồn gốc, phải lập và lưu lại hồ sơ, nhật kí sản xuất và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số.

Về quản lí sinh vật gây hại: áp dụng biện pháp quản lí tổng hợp đối với ruồi đục quả phương đông (Bactrocera dorsalis).

Về an toàn thực phẩm: trên các vườn trồng vải xuất khẩu sang Nhật Bản, tuyệt đối không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng, đồng thời tuân thủ nguyên tắc bốn đúng để đảm bảo đáp ứng qui định của Nhật Bản về mức dư lượng tối đa cho phép đối với quả vải tươi xuất khẩu.

2. Yêu cầu chi tiết về kiểm dịch thực vật đối với quả vải thiều tươi xuất khẩu

Qui định chi tiết đối với cơ sở xử lí xông hơi khử trùng, cơ sở đóng gói, bao bì và ghi nhãn, việc kiểm tra kiểm dịch thực vật xuất khẩu và nhập khẩu đối với quả vải thiều tươi của Việt Nam. Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Nhật Bản là thị trường khó tính với tiêu chuẩn cao, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu nói trên để có thể xuất khẩu quả vải thiều tươi sang Nhật Bản. "Ngay từ khi vải chưa ra hoa, tỉnh cần giao đơn vị chuyên môn lựa chọn vùng trồng thích hợp, trong đó đặc biệt là diện tích vải đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, lên kế hoạch chuẩn bị cho xuất khẩu khi vào vụ” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang hồi cuối năm 2019.

Cùng sự phát triển của khoa học công nghệ, các hình thức đánh giá công nhận/ chứng nhận online cũng ngày càng phát triển. Đồng hành cùng các tổ chức/ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, nhiều tổ chức/ doanh nghiệp là Hội viên VinaLAB đã cung cấp, sử dụng dịch vụ đánh giá online, mang lại hiệu quả rõ rệt, vừa góp phần đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, vừa đảm bảo không làm ngưng trệ các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.

Hiện tại, tỉnh Bắc Giang duy trì trên 28.300ha diện tích trồng vải, trong đó có 218ha với 394 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã được Mỹ cấp mã số IRADS. “Đây là cơ sở và là điều kiện để quả vải Bắc Giang đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để có thể xuất đi Nhật Bản” - ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ.

Tuy đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, nhưng trong một diễn biến trái chiều có liên quan, nguy cơ quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai theo dự kiến.

Theo đó ngày 20/4/2020, Bộ Công Thương Việt Nam nhận được công hàm số 02/shouan/333 của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, thông báo không thể cử chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch bệnh Covid-19.


Đánh giá online mang lại nhiều hiệu quả, giúp các  tổ chức/ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong ảnh, các chuyên gia của A2LA (Mỹ) đang thực hiện đánh giá giám sát hiệu lực Hệ thống quản lý theo ISO/IEC 17025:2017 đối với Công ty TNHH Đảm bảo chất lượng Việt Nam (AoV).

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với MAFF nhằm thuyết phục việc xem xét các giải pháp thay thế cho việc phải cử chuyên gia trực tiếp sang Việt Nam kiểm tra cơ sở khử trùng, đồng thời đề xuất: Tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện việc kiểm tra, hoặc phối hợp với Bộ NN&PTNT Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị thúc đẩy Bộ MAFF xem xét các biện pháp đặc biệt, sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi vào Nhật Bản phù hợp với tinh thần Tuyên bố chung Nhật Bản – ASEAN về Sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.

Vũ Hải

Bình luận