Theo dòng sự kiện

Chọn tạo giống cây trồng bằng chiếu xạ đột biến

25/09/2019, 07:34

Với dải suất liều chiếu từ 0 đến 250 Gray (Gy), hàng loạt các biến dị kiểu hình khác nhau đã xảy ra với hạt giống đậu tương, các kết quả phù hợp với những thực nghiệm và nghiên cứu trước đây.

Trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị chiếu xạ gamma dùng nguồn phóng xạ đã qua sử dụng”, mã số: KC.05.01/16-20” do Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) chủ trì thực hiện (giai đoạn 2016-2019), ngày 19/9/2019, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo chuyên đề “Chiếu xạ đột biến phục vụ chọn tạo giống cây trồng nông nghiệp”.

Tại hội thảo, Viện Di truyền Nông nghiệp (DTNN) và Trung tâm Đánh giá không phá hủy đã báo cáo kết quả nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị chiếu xạ dùng nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; công bố một số kết quả chiếu xạ thử nghiệm.

Theo TS. Nghiêm Xuân Khánh và KS. Đinh Chí Hưng (cán bộ thực hiện đề tài - Trung tâm NDE), dựa trên cơ chế hoạt động của thiết bị chiếu xạ THERATRON-780 sử dụng trong y tế, nhóm đã nghiên cứu và thiết kế thành công thiết bị GAMMA cell dùng nguồn Co-60 có hoạt độ 236 Ci (06/8/2018), có thể sử dụng được trong khoảng 15 năm tới.

Thiết bị áp dụng 5 kỹ thuật xác định liều: Tính toán lý thuyết, mô phỏng MCNP, liều kế TLD, buồng ion hóa và liều kế Fricke. Trong đó, buồng Ion hóa và liều kế Fricke cho kết quả với độ chính xác và lặp lại tốt nhất.

Về tính an toàn, nhóm thiết kế 1 hệ đo cảnh báo phóng xạ 4 kênh, gắn trực tiếp tại 2 đầu thiết bị và phòng chiếu xạ; ngoài ra còn có các hệ thống camera trong và ngoài khu vực, có thể truyền trực tiếp đến máy tính làm việc của nhân viên, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn và an ninh theo quy định. Đây cũng là thiết bị chuyên dụng (dạng gmama cell) đầu tiên mà Trung tâm NDE và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam chế tạo thành công, chuyển giao cho ngành nông nghiệp với hy vọng và mong muốn góp phần thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế, xã hội ở Việt Nam.

Kết quả chiếu xạ thử nghiệm trong 2 năm 2018-2019 trên mẫu đậu tương DT2012 (khô và nảy mầm) tại Trung tâm NDE được thực hiện theo quy trình của Viện DTNN cho thấy, sau khi chiếu xạ với dải suất liều chiếu từ 0-250 Gy, đã gây ra hàng loạt các biến dị kiểu hình khác nhau của đậu tương ở thế hệ M1 và M2. Tần số biến dị có xu hướng tăng theo liều chiếu, đạt cao nhất ở 250 Gy (58,5%).

Những kết quả này hoàn toàn phù hợp với các thực nghiệm trước đây trên các giống đậu tương đột biến được nghiên cứu tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Với những kết quả đạt được, đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu, sản phẩm đăng ký và sẽ được nghiệm thu cấp Nhà nước trong tháng 10/2019.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Bình luận