Theo dòng sự kiện

Ngành nông nghiệp phát hiện và xử lý hơn 2.500 vụ vi phạm an toàn thực phẩm

02/08/2019, 03:37

Để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý, từ đầu năm 2019 đến nay, các đơn vị trực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện hơn 2.500 vụ vi phạm, xử phạt hơn 9,63 tỷ đồng.

Tại hội nghị toàn quốc công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tổ chức tại TP. Đà Nẵng, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị chức năng thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương đã tăng cường kiểm tra, giám sát, cảnh báo và xử lý hơn 2.500 vụ vi phạm về chất lượng, ATTP.

Cụ thể, cùng với việc tích cực phổ biến, tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), ngành chức năng đã thực hiện lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm chủ lực, tiêu dùng nhiều, nguy cơ cao,… và đã phát hiện, truy xuất xử lý 21 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu ATTP, 23 mẫu thịt lợn, gà tại cơ sở giết mổ, kinh doanh nhiễm e.coli, salmonella.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản, phát hiện 1.947 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản vi phạm các điều kiện về ATTP. Tổng số tiền xử phạt vi phạm là 9,63 tỷ đồng.

Thúc đẩy nguồn cung thực phẩm an toàn

Bên cạnh công tác thanh kiểm tra, việc thúc đẩy hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn cũng được đặc biệt chú trọng.

Tính đến hết tháng 6/2019, cả nước đã có 38,6 nghìn ha cây trồng đạt chứng nhận VietGAP, hình thành 6 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 41 doanh nghiệp đạt chuẩn doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên 500 cơ sở nuôi trồng thủy sản với diện tích nuôi trồng hơn 2.600 ha đạt chứng nhận VietGAP, 313 trang trại và 2.502 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, 269 sản phẩm được xét công nhận OCOP (OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới).

Cả nước cũng đã hình thành được 1.269 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với sự tham gia của khoảng 100 hợp tác xã, 250 công ty, sản xuất và cung ứng 1.456 sản phẩm đến 3.179 điểm bán lẻ.

Các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn đã góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho tiêu dùng trong nước, gắn kết với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

“Từ nay đến hết năm 2019, ngành Nông nghiệp tiếp tục rà soát, loại bỏ các vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không đảm bảo an toàn khỏi danh mục được phép sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản để kịp thời phát hiện, cảnh báo người tiêu dùng; tăng cường thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ các vật tư nông nghiệp và nông – lâm – thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam; thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản an toàn, chế biến sâu, hàm lượng giá trị gia tăng cao để phục vụ người tiêu dùng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo.

Nguồn: congthuong.vn

Bình luận