Nghiên cứu thành phần và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chanh leo ở Việt Nam
TNNN - Trước hiện trạng người dân ồ ạt nhập khẩu giống và mở rộng diện tích trồng chanh leo không theo quy hoạch, nguy cơ bùng phát các loài sâu bệnh hại, du nhập thêm các loài sâu bệnh hại mới trên chanh leo rất lớn.
- Phát triển đội ngũ doanh nhân cho các mục tiêu phát triển đất nước
- Cao su kỹ thuật chống rung, chịu nén dùng trong đầu máy - toa xe và túi nâng trục vớt, cứu hộ đường thủy
Thời gian gần đây, chanh leo đã đem lại giá trị kinh tế cho nhiều hộ dân ở các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk, Sơn La, Nghệ An. Cùng với đó, chủng loại giống cây chanh dây được nhập khẩu cũng gia tăng. Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ năm 2010 - 2015, đã có 58.600 cây giống chanh leo được nhập khẩu vào miền Bắc và Bắc Trung bộ của nước ta. Tuy nhiên, hiện trạng ồ ạt mở rộng diện tích trồng, nhập khẩu giống cây chanh leo, đồng thời người sản xuất chưa có được quy trình trồng và biện pháp phòng trừ hiệu quả. Do đó, nguy cơ bùng phát các loài sâu bệnh hại, du nhập thêm các loài sâu bệnh hại mới trên chanh leo rất lớn.
Theo thống kê, đã có những vùng (Đăk Nông) bị nhiễm tới 70% bệnh thối quả, một số sâu bệnh hại khác cũng đã phát sinh, gây hại mức độ nghiêm trọng, khó kiểm soát đặc biệt là các bệnh virus. Việc nghiên cứu xác định thành phần loài dịch hại và các giải pháp tổng hợp nhằm kiểm soát hiệu quả các bệnh virus và các loài sâu bệnh hại khác trên chanh leo từ khâu nhân giống, sản xuất trên đồng ruộng có vai trò rất quan trọng trong sản xuất chanh leo. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc tại Viện Bảo vệ thực vật đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chanh leo ở Việt Nam” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài nhằm xác định được danh mục các loài sâu bệnh hại trên cây chanh leo và bộ tiêu bản để đối chiếu; xác định được danh sách các đối tượng sâu, bệnh hại có nguy cơ trở thành đối tượng thuộc diện kiểm dịch thực vật ở Việt Nam; đưa ra được quy trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại chính trên cây chanh leo đạt hiệu quả trên 80%; và xây dựng được 3 mô hình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại chính trên cây chanh leo có hiệu quả cao, mỗi mô hình 0,5 ha tại Hòa Bình, Nghệ An và Lâm Đồng.
Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu nổi bật sau ba năm đề tài triển khai nghiên cứu:
- Đã xác định được 04 loài nấm trên các giống chanh leo nhập khẩu bao gồm: Alternaria alternata, Colletotrichum gloeosporioides, Fusarium oxysporium và Fusarium solani. Đồng thời, không phát hiện thấy côn trùng và các virus gây hại.
- Đã xác định được 95 loài sinh vật gây hại trên chanh leo tại Việt Nam gồm: 2 loài nhện, 48 loài côn trùng, 40 loại bệnh do nấm, 2 bệnh do vi khuẩn, 6 loại bệnh do virus và 7 loài tuyến trùng. Trong đó virus EAPV, PaMoV các loài rệp muội, bọ phấn, bọ trĩ, bệnh đốm nâu, chàm quả, thán thư, phình thân là những đối tượng dịch hại phổ biến và nguy hiểm nhất, gây suy giảm năng suất, chất lượng và mẫu mã quả chanh leo ở Việt Nam.
- Cây chanh leo bị nhiễm virus khi còn nhỏ sẽ không cho năng suất, cây bị nhiễm ở giai đoạn trên 90 ngày sau trồng vẫn cho năng suất và chất lượng ở lứa quả đầu tiên. Đã ghi nhận được 5 loài cây là ký chủ của EAPV, 4 loài là ký chủ của PaMoV, 10 loài cây là ký chủ của virus CMV.
- Đã xây dựng thành công quy trình phòng trừ tổng hợp các đối tượng gây hại chính trên cây chanh leo được công nhận tiến bộ kỹ thuật.
- Mô hình áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp các đối tượng gây hại chính trên cây chanh leo bao gồm các giải pháp giúp cây chanh leo sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao cây đạt từ 115,5-138,5cm, thời gian cây lên giàn ngắn, từ 65-72 ngày. Các loại sâu bệnh hại chính như rệp muội, bọ phấn, bọ trĩ, bệnh phình thân, đốm nâu, thối quả (chàm quả) và các bệnh virus ở mức độ thấp. Giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 7-8 lần. Năng suất của các mô hình tăng từ 20-37,8%, hiệu quả kinh tế tăng từ 31,3-52,1% so với ngoài mô hình.
Kết quả của đề tài giúp nâng cao năng suất và chất lượng quả chanh leo tại Việt Nam, cũng như góp phần phục vụ công tác xuất khẩu.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19088/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Nguồn: NASATI