Hội thảo Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư – Công nghiệp 4.0
Ngày 12/10, trong khuôn khổ Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 5 về Máy công cụ, Cơ khí chính xác và Gia công kim loại MTA HANOI 2017 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế (I.C.E), 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Câu lạc bộ LEAN SIX SIGMA NETWORK phối hợp với Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – QUACERT và UBM ASIA tổ chức Hội thảo với chuyên đề: Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư – Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 and the Fourth Industrial Revolution) và giới thiệu Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hội thảo có sự tham dự của các vị khách quý: Ông Nguyễn Nam Hải – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, giám đốc Sở Khoa học Công nghệ các tỉnh/thành phố, lãnh đạo các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đại diện Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam – VinaLAB, Hội các Phòng thí nghiệm Thành phố Hồ Chí Minh – Vinatest, các nhà quản lý phòng thử nghiệm, đại diện các doanh nghiệp quan tâm tới Công nghiệp 4.0.
Phát biểu dẫn dắt tại hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Thiện – Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chủ tịch Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) nhấn mạnh: "Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo là một xu thế lớn sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nền sản xuất của thế giới và của Việt Nam. Việc chủ động tiếp cận các công nghệ tiên tiến đồng thời nắm bắt xu hướng phát triển mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư được Chính phủ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và nêu rõ trong Chỉ thị 16 /CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0”.
Hội thảo được nghe 02 chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu của 02 báo cáo viên: TS. Nguyễn Nhật Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Phần mềm Hài Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) trình bày về: “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”; chuyên đề “Các công nghệ dẫn dắt Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” được TS. Nguyễn Việt Hải, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Công nghệ VINASA báo cáo tại Hội thảo.
TS. Nguyễn Nhật Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Phần mềm Hài Hòa,
Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA)
Khái niệm Industry 4.0 hay Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng Công nghiệp 4.0) khởi nguồn từ nước Đức. Các nhà khoa học và quản lý Đức đưa ra khái niệm này lần đầu tiênvào năm 2013 tại Hội chợ Triển lãm Hannover.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thường được mô tả gắn với trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano,… với nền tảng là các đột phá của công nghệ số.
Theo TS. Nguyễn Nhật Quang, các cuộc cách mạng xảy ra đồng thời, sự xuất hiện và phát triển của các thành phố thông minh, giao thông thông minh, sự phát triển của kinh tế chia sẻ, cách mạng năng lượng, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, nông nghiệp công nghệ cao,… cộng thêm bối cảnh già hóa dân số và biến đổi khí hậu tạo nên bức tranh lớn tổng thể về bối cảnh toàn cầu của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
TS.Nguyễn Nhật Quang cho biết: đất nước chúng ta, cũng như mọi quốc gia khác, có đủ cả 4 giai đoạn phát triển của công nghiệp tuy nhiên trọng tâm vẫn thuộc làn sóng công nghiệp 2.0. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ thông tin, kinh tế tri thức làm thay đổi cơ cấu sản phẩm và dịch vụ, tái cơ cấu chuỗi sản xuất, cung ứng, tạo sự biến chuyển trong các chuỗi giá trị toàn cầu đang đòi hỏi chúng ta cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ của Công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn khởi đầu, tranh thủ tiến thẳng vào công nghiệp mới cũng như công nghệ cao, có như vậy Việt Nam mới có thể hội nhập mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa vào nền kinh tế thế giới.
Thách thức
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Theo TS. Nguyễn Nhật Quang, thách thức lớn nhất là lạc hậu từ chính sách, thể chế văn hóa Việt Nam không phù hợp với sáng tạo, chính sách hiện nay thiếu thể chế hỗ trợ sáng tạo. Khi mà Công nghiệp 4.0 đang diễn ra đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, những đổi mới về mặt chính sách là vô cùng quan trọng để đảm bảo một sự tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm với mọi thành phần trong xã hội.
Một thách thức nữa có thể dễ dàng nhận thấy, các nước phát triển trên thế giới đều cho rằng bản chất của công nghiệp 4.0 là tập trung thay đổi con người, đặt trọng tâm vào nguồn nhân lực, tuy nhiên, ở Việt Nam, phần đông lực lượng lao động có trình độ thấp trong khi giáo dục đào tạo lại chậm đổi mới.
Chính phủ, các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở giáo dục tại Việt Nam cần phải nhận thức được và sẵn sàng thay đổi và có chiến lược phù hợp cho việc phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cơ hội
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng. Với việc tiếp cận nhanh nhạy và ứng dụng linh hoạt những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, tăng năng suất, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, người tiêu dùng có cơ hội được sử dụng các sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn.
Bài báo cáo của TS. Nguyễn Nhật Quang đã nêu rõ 3 cơ hội có thể nhận thấy:
Người Việt Nam có tố chất ham học hỏi và nhanh nhạy, dễ thích ứng với cái mới. Ngay khi cuộc cách mạng mới bắt đầu, Việt Nam là một trong những nước đề cập tới cuộc cách mạng này nhiều trên Thế giới, Chính phủ cũng đã ra chỉ thị cho các Bộ ban ngành chú trọng quan tâm hàng đầu tới công nghiệp 4.0.
Thứ hai, nền công nghiệp nước ta chưa phát triển nên quán tính nhỏ, bất cứ rủi ro gì tiêu cực đều có thể không gây tổn thất quá lớn.
Thứ ba là cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng chỉ dành cho các “ông lớn” mà là cuộc cách mạng của mọi người, mọi thành phần kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp start – up phát huy trí tuệ linh hoạt ứng dụng thông minh thành tựu của cuộc cách mạng. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhờ đó mà lớn mạnh lên, thay đổi diện mạo nền kinh tế; mặt khác, kết nối quy mô nhỏ thường dễ dàng hơn.
Với những thách thức và cơ hội nêu trên, để có thể tiếp cận thành công cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cần phải đáp ứng những yêu cầu gì nếu như không muốn tụt hậu? Ngay từ bây giờ, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp cần hiểu một cách toàn diện về Cách mạng Công nghiệp 4.0 đồng thời xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cùng những bước đi cụ thể thích ứng nhanh và sâu hơn nữa trong cuộc cách mạng này, tránh tối đa các tác động tiêu cực.
Các công nghệ dẫn dắt
Trong bài báo cáo tại Hội thảo, TS. Nguyễn Việt Hải đúc kết: “Rất nhiều công nghệ tiên tiến (hệ phân tích và dữ liệu lớn, robot tự trị, mô phỏng, tích hợp hệ thống dọc và ngang, IoT và IIoT, đám mây và ANBM, sản xuất “đắp dần”, AR/VR, Blockchain, AI,…) đã được dùng trước cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng chỉ phát huy hết thế mạnh trong cuộc cách mạng này do tính kết nối và tính hệ thống mang lại tạo nên cuộc cách mạng”.
TS. Nguyễn Việt Hải, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Công nghệ VINASA
Mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ diện mạo nền kinh tế. Hội thảo là một cơ hội quý giá để chúng ta có thể trao đổi thông tin, chia sẻ kiến thức về Cách mạng Công nghiệp 4.0. Những kinh nghiệm nghiên cứu của báo cáo viên, những bài học thành công, những công nghệ dẫn dắt là những thông tin vô cùng có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp Việt Nam.
VinaLAB