Theo dòng sự kiện

Sản xuất tá dược tan từ tinh bột sắn

23/09/2019, 03:40

Tá dược tan (Dextrose Equivalent (DE) =5) được sản xuất từ tinh bột sắn bằng phương pháp enzyme có độ hòa tan tốt, cung cấp cho thị trường sản phẩm có chất lượng với giá cạnh tranh.


Các sản phẩm của dự án 

Tá dược là một chất phụ gia được dùng trong công nghệ sản xuất dược phẩm. Đây là một thành phần quan trọng ảnh hưởng đến độ hòa tan của thuốc. Nguyên liệu chính để sản xuất tá dược tan là tinh bột, trong đó, tinh bột sắn được sử dụng phổ biến do giá thành rẻ.

Thực hiện “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020” do Bộ Công Thương quản lý, trên cơ sở kết quả của đề tài “Nghiên cứu các điều kiện thích hợp cho hoạt động của enzyme trong công nghệ sản xuất cyclodextrin từ tinh bột sắn”, nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Sinh học Công nghệ cao đã nghiên cứu, sản xuất thành công tá dược tan từ tinh bột sắn bằng phương pháp enzyme.

Chủ nhiệm đề tài - Thạc sĩ Nguyễn Trường Giang (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Sinh học Công nghệ cao) cho biết, sau 2 năm thực hiện, đề tài đã đạt được các mục tiêu đặt ra về khối lượng, chủng loại sản phẩm theo đặt hàng của Bộ Công Thương: hoàn thiện công nghệ quy trình công nghệ sản xuất tá dược tan đạt các chỉ tiêu đề ra của sản phẩm; xây dựng mô hình thiết bị sản xuất 10.000kg tá dược tan ứng dụng để sản xuất 5 loại cao dược liệu (bìm bìm, bạch quả, biển súc, mã đề và cao bạch Tật Lê); sản xuất thành công viên nang Đại tràng DE5 500mg.

Các sản phẩm này đã được Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Sinh học Công nghệ cao xây dựng tiêu chuẩn cơ sở tương ứng.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Trường Giang, tá dược tan từ tinh bột đang được sử dụng phổ biến hiện nay là glucoza, fructoza, maltoza, các maltodextrin… Các sản phẩm này được sản xuất bằng phương pháp axit hoặc enzyme, có độ tan rất tốt nhưng độ ngọt lại cao. Đây là điều không mong muốn trong một số loại thuốc cần bổ sung tá dược nhiều như các loại thuốc đông y dạng cao.

Để giải quyết vấn đề này, “Dự án tập trung sản xuất tá dược tan DE thấp từ tinh bột sắn sử dụng enzyme cyclodextrin glucosyltransferase làm tác nhân chuyển hóa. Tinh bột sắn được làm loãng ở DE thấp (DE5 hoặc nhỏ hơn), sau đó được làm sạch và sấy phun. Sản phẩm tạo thành dạng bột, có độ hòa tan tốt”, Thạc sĩ Nguyễn Trường Giang cho biết.

Tiến sỹ Đặng Tất Thành (Ban điều hành Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020) nhận định, thành công của đề tài là tín hiệu rất đáng mừng, giúp cung cấp cho thị trường Việt Nam các sản phẩm có chất lượng bảo đảm, giá thành cạnh tranh và góp phần bình ổn thị trường dược phẩm.

Đây cũng là minh rõ nét của việc đầu tư đúng hướng, hiệu quả của Bộ Công Thương nhằm phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Đề tài đã được chuyển giao cho Công ty CP Dược phẩm NOVACO ứng dụng, sản xuất các sản phẩm tá dược tan với giá bán khoảng 130.000 đồng/kg, thấp hơn 20.000 đồng/kg so với các loại tá dược tan đang bán trên thị trường./.

Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ

Bình luận