Theo dòng sự kiện

Mã số mã vạch – “Thẻ căn cước” cho hàng hóa xuất khẩu ra thế giới

08/06/2020, 09:09

TNNN - Mã số mã vạch có vai trò quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm.

Những năm gần đây, trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế sâu rộng, các doanh nghiệp (DN) trong nước ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của việc tuân thủ yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm của thế giới.

Hàng hóa muốn xuất khẩu được vào các thị trường lớn có hệ thống quản lý khắt khe như Mỹ, EU, Nhật Bản... đòi hỏi không chỉ thỏa mãn các điều kiện như có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn - vệ sinh mà còn phải được sản xuất, khai thác hoặc sử dụng nguyên liệu một cách hợp pháp theo quy định - cam kết chung.


Mã số, mã vạch là “thẻ căn cước” giúp quản lý hồ sơ sản phẩm
là yêu cầu bắt buộc của nước nhập khẩu.

Chẳng hạn, một trong những ràng buộc khi DN dệt may muốn xuất sản phẩm sang các nước có chung Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để hưởng thuế suất ưu đãi là nguyên liệu may (bông, vải) phải nhập từ chính các nước nội khối CPTPP. Hoặc các mặt hàng thủy sản, lâm sản Việt Nam... muốn nhập khẩu vào EU thì phải chứng minh được nguồn gốc khai thác nguyên liệu hợp pháp và có thể truy xuất được.

Không chỉ với các thị trường khó tính mà hiện nay nhiều loại nông sản, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường dễ tính, có nhu cầu nhập khẩu lớn như Trung Quốc, cũng đòi hỏi phải có hồ sơ truy xuất khi cần thiết.

Công cụ để quản lý, tra cứu hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ của bất cứ loại hàng hóa, sản phẩm nào hiện nay chính là mã vạch, mã số. Tất cả siêu thị, cửa hàng tiện ích lớn nhỏ của không chỉ nước nhập khẩu mà ở Việt Nam cũng vậy, hiện nay đều quản lý hàng hóa (tên, chủng loại, giá cả, nước xuất khẩu, công ty sản xuất...) thông qua máy tính - internet, nhận diện bằng mã vạch, mã số in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Bằng cách này, mã vạch, mã số không chỉ giúp DN làm ra sản phẩm mà cả đối tác nhập khẩu, tiêu thụ, phân phối có thể giảm chi phí quản lý. Mã vạch, mã số giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cung cấp dữ liệu sản phẩm cho đối tác nhập khẩu, tạo thuận lợi cho DN tham gia thương mại điện tử toàn cầu, khai báo hải quan, tính thuế...

Có thể ví mã vạch, mã số của sản phẩm tương tự như tấm “thẻ căn cước”, “hộ chiếu” để được đưa vào hệ thống thị trường bán lẻ trong nước hoặc vươn ra thị trường thế giới.

Tại Việt Nam, xuất phát từ nhu cầu thực tế về sản xuất, kinh doanh trong nước cũng như xuất khẩu, vào năm 1995, Thủ tướng đã cho phép Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH-CN) tham gia Tổ chức Mã vạch, mã số quốc tế (GS1).

Theo đó, Việt Nam đã có mã số quốc gia là 893 để DN chúng ta in lên hàng hóa xuất khẩu, phục vụ cho việc quét và thu nhận dữ liệu tự động, tạo thuận lợi cho quá trình quản lý, kinh doanh, bán hàng, đáp ứng nhu cầu của bạn hàng trong nước và thế giới.

Đến năm 2017, cả nước có khoảng hơn 21.000 DN tham gia mã vạch, mã số. Đến năm 2018, có thêm 5.606 DN tham gia và thêm 6.411 DN trong năm 2019. Mặc dù áp dụng mã vạch, mã số, mã QR... sẽ là yêu cầu bắt buộc, xu thế tất yếu khi hội nhập kinh tế thế giới, nhưng theo đánh giá, đến nay không phải mặt hàng nào cũng có mã vạch, mã số, số lượng DN ứng dụng công nghệ mã này có tăng mạnh hơn so với trước, song vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp.

Trong khi hoạt động quản lý mã vạch, mã số chưa thống nhất thì vẫn có tình trạng làm giả, tự sáng tạo ra mã vạch, mã số hoặc “ăn cắp” của DN khác để in lên sản phẩm. Để chấn chỉnh, từ năm 2017, Chính phủ đã đưa ra nhiều quy định về việc cấp - sử dụng mã vạch, mã số tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP, như cấm sử dụng đầu mã quốc gia Việt Nam (893) khi chưa được cấp, cấm bán - chuyển nhượng; cấm sử dụng mã vạch, mã số nước ngoài để in lên sản phẩm được sản xuất hoặc gia công tại Việt Nam mà chưa được họ cho phép...

Để bảo vệ sản phẩm và uy tín của mình, nhiệm vụ của DN được cấp mã vạch, mã số là phải quản lý mã mặt hàng của mình theo nguyên tắc mỗi mã số tương ứng với một loại sản phẩm duy nhất, không được nhầm lẫn, không để đơn vị khác “mượn”.

Có thể khẳng định, mã vạch, mã số là “thẻ căn cước” giúp quản lý hồ sơ sản phẩm; không chỉ là yêu cầu bắt buộc của nước nhập khẩu mà còn là niềm tự hào, khẳng định uy tín, chất lượng của hàng hóa Việt Nam trên thế giới.

Nguồn: vietq.vn

Bình luận