Tăng cường nhận thức về vai trò của hoạt động công nhận
TNNN - Ngày Công nhận thế giới (9/6) là hoạt động nhằm tăng cường nhận thức vai trò của hoạt động công nhận.
- AOSC đạt thỏa ước thừa nhận lẫn nhau MRA của APAC và ILAC
- Khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn của EU
- Văn phòng công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng
Đây là sáng kiến toàn cầu do Diễn đàn công nhận quốc tế (International Accreditation Forum, viết tắt là IAF) và tổ chức Hợp tác công nhận phòng thí nghiệm quốc tế (International Laboratory Accreditation Cooperation - ILAC) đồng khởi xướng nhân Ngày Công nhận thế giới (9/6).
Chủ đề của Ngày Công nhận thế giới năm 2020 nhấn mạnh vai trò hoạt động công nhận trong cải thiện an toàn thực phẩm, hỗ trợ nâng cao niềm tin của người tiêu dùng, nhà cung cấp, người mua, nhà quản lý và nhà đầu tư về chất lượng và an toàn thực phẩm. Qua đó, làm gia tăng giá trị của chuỗi cung ứng.
Chuỗi cung ứng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và khu vực công một cách kịp thời với chi phí tối ưu và chất lượng. Công nhận cùng với các công cụ cơ sở hạ tầng chất lượng khác như tiêu chuẩn, đo lường và đánh giá sự phù hợp đã mang lại giá trị cho chuỗi cung ứng. Những công cụ này đem lại sự tin cậy và đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm và dịch vụ đưa ra thị trường.
Như nhiều năm trước đây, Ngày Công nhận thế giới sẽ được tổ chức tại các quốc gia thành viên với các sự kiện chính như hội thảo, báo chí truyền thông để truyền tải thông điệp mà hoạt động công nhận muốn hướng tới: Có một thế giới an toàn hơn, hỗ trợ doanh nghiệp, chính phủ và các nhà quản lý tìm ra các tiêu chuẩn, công cụ đánh giá sự phù hợp, giúp họ thực hiện được mục tiêu này.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và chính sách của các quốc gia nhằm chống lại dịch bệnh này, nên các sự kiện đã bị thay đổi hoặc hủy bỏ, tuy nhiên, việc tạo nền tảng cho cơ sở hạ tầng chất lượng của mỗi quốc gia luôn là việc làm cần thiết, mang lại hiệu quả hoạt động của thị trường trong nước, và sự công nhận quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm có thêm cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài.
Cơ sở hạ tầng chất lượng (Quality Infrastructure Reforms - QI) dựa trên đo lường, tiêu chuẩn hóa, công nhận, đánh giá sự phù hợp và kiểm tra, giám sát sẽ chứng minh tác động của nó trên các mặt: Nâng cao năng lực cạnh tranh; Giảm kiểm tra và chứng nhận; Không ngừng mở rộng thị trường; Tăng cường đổi mới và chuyển giao công nghệ; Cải thiện hiệu quả; Tăng năng suất; Ứng dụng an toàn, sức khỏe, môi trường...
Với ý nghĩa đó, một tuyên bố chung đã được chủ tịch IAF và ILAC đưa ra: Để giới thiệu tầm quan trọng của công nhận trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, cần lưu ý cách thức đảm bảo các dịch vụ kiểm tra, chứng nhận và kiểm tra có thẩm quyền; đảm bảo công bằng trong tất cả các khâu của chuỗi thực phẩm tại mỗi địa phương, quốc gia và quốc tế. Làm được điều đó có nghĩa hoạt động công nhận đã góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) của Liên Hợp Quốc, hướng tới (SDG 3): Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc cho mọi người.
Khoa Hóa Sinh Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) áp dụng và đạt công nhận ISO 15189 bởi Văn phòng Công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng (AOSC) cấp. Ảnh: Vũ Hải
Theo nhận định của các chuyên gia, trong một thế giới hiện đại với sự phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực thương mại quốc tế, các quốc gia đang có xu hướng giảm cạnh tranh từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, lợi thế địa lý và chi phí lao động thấp, để tập trung vào các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận và cạnh tranh của các công ty ở các thị trường mới. Một trong những yếu tố này là khả năng chứng minh chất lượng và an toàn của hàng hóa, dịch vụ cũng như sự tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế tại các thị trường mục tiêu.
Theo đó, các quốc gia cần cải cách QI. Đây là sự biểu thị hệ sinh thái của các tổ chức nhà nước và tư nhân, khuôn khổ và quy định pháp lý, các quy định được thiết lập và thực hiện theo các tiêu chuẩn công nhận, đo lường và đánh giá sự phù hợp (kiểm tra, đánh giá và chứng nhận).
Hệ thống QI là cần thiết cho hoạt động hiệu quả của thị trường trong nước và sự công nhận quốc tế. Đối với các dịch vụ, QI là rất quan trọng để cho phép các doanh nghiệp đưa sản phẩm tiếp cận thị trường nước ngoài.
Cải cách cơ sở hạ tầng chất lượng góp phần tăng cường tiếp cận thị trường, tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm và tăng cơ hội đầu tư, tăng năng suất bằng cách giảm chi phí thương mại, tránh trùng lặp trong hoạt động thử nghiệm và kiểm tra, loại bỏ các quy định không phù hợp.
Đình Lâm