Theo dòng sự kiện

Truy xuất nguồn gốc hướng tới quyền lợi người tiêu dùng

28/08/2020, 16:59

TNNN - Truy xuất nguồn gốc là giải pháp để người tiêu dùng trực tiếp kiểm tra các thông tin của sản phẩm cuối cùng: nơi sản xuất, vật tư sử dụng, sơ chế đóng gói, vận chuyển...

Nhãn mác, bao bì sản phẩm thường không thể hiện đầy đủ những thông tin về nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu làm nên sản phẩm. Bằng công nghệ truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể cập nhật được những thông tin chi tiết về xuất xứ của sản phẩm: nơi sản xuất, sơ chế đóng gói, vật tư sử dụng, nếu là sản phẩm nông sản thì dư lượng thuốc trừ sâu bao nhiêu, có sử dụng phân bón hóa học hay kháng sinh không, ngày tháng, thời gian thu hoạch, lưu kho và xuất đi… một cách công khai minh bạch.

Với khả năng theo dõi, nhận diện và cung cấp thông tin của một đơn vị sản phẩm trong tất cả các giai đoạn, từ nguồn nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và phân phối ra thị trường, truy xuất nguồn gốc đã trở thành công cụ hữu ích giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn được những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng.


Giám đốc HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh - Dương Thị Quỳnh Liên (bên phải ảnh) giới thiệu về bộ tem QR-code truy xuất nguồn gốc sản phẩm của HTX. Ảnh: TL VinaCert.

Công nghệ này cung cấp toàn bộ thông tin của một sản phẩm theo chuỗi giá trị, khác với phần nhiều sản phẩm có dán mã vạch, QR code hiện chỉ cung cấp thông tin sản phẩm, nơi sản xuất, giá bán, mà chưa thể hiện rõ được từng khâu đoạn của chuỗi liên kết nhằm truy trách nhiệm cuối cùng.

Truy xuất nguồn gốc mở ra cho doanh nghiệp nhiều cơ hội, nhưng cũng đồng thời đặt ra không ít thách thức, vì khi trực tiếp tham gia vào các chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, yêu cầu sản phẩm phải truy xuất được toàn bộ quá trình mà các đơn vị tham gia vào việc tạo ra sản phẩm; thông tin của sản phẩm phải thể hiện giống như đã công bố lưu hành; sự kiểm tra, bằng chứng giám sát của bên thứ ba trong toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm (kiểm định, kiểm nghiệm, giấy chứng nhận về chất lượng,…).

Để có thể truy xuất toàn bộ thông tin đó, quá trình xây dựng nhật ký điện tử cho sản phẩm đóng vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện các thông tin được người tiêu dùng quan tâm: Giống cây trồng, trồng ở đâu, sử dụng các loại phân bón gì, thời gian cách ly trước thu hoạch, sơ chế, chế biến, vận chuyển như thế nào, từng khâu đoạn được đơn vị nào chứng nhận sự phù hợp với tiêu chuẩn/ quy chuẩn kỹ thuật tương ứng…).

Đây là dữ liệu quan trọng để chứng minh toàn bộ quá trình tạo ra cũng như luân chuyển sản phẩm có đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hay không. Nếu trong một khâu đoạn nào đó, sản phẩm bị biến đổi về chất lượng, hoàn toàn có thể truy xuất để xác định nguyên nhân, quy trách nhiệm và đề xuất biện pháp khắc phục. Từ đó, nâng cao ý thức của toàn bộ những tổ chức/người tham gia chuỗi.

Vấn đề đặt ra trong quá trình thu thập dữ liệu xây dựng nhật ký điện tử đó là khả năng tiếp cận, ứng dụng và sử dụng các phần mềm khoa học công nghệ của người nông dân còn nhiều hạn chế, nếu phần mềm truy xuất nguồn gốc quá phức tạp, yêu cầu thu thập dữ liệu theo nhiều định dạng tập tin khác nhau thì không thể áp dụng được.

VFSC là một phần mềm mở, áp dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam theo nguyên tắc “Từ trang trại đến bàn ăn”. VFSC xây dựng các tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên cơ sở các tiêu chuẩn VietGAP; AseanGAP; GlobalG.A.P; ASC. Các tiêu chuẩn này áp dụng cho các trang trại chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và cây cảnh.

Trong quá trình xây dựng và triển khai phần mềm VFSC (Vietnam Food Safety chain – Chuỗi an toàn thực phẩm Việt Nam), ông Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Ban VFSC (Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng - NFSI) đã nhấn mạnh đến sự tiện dụng, người nông dân chỉ cần biết sử dụng một vài ứng dụng trên điện thoại thông minh cũng sử dụng được phần mềm truy xuất nguồn gốc, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị.

Trên quan điểm đó và để khai thác tối đa những ưu điểm mà công nghệ Blockchain mang lại, phần mềm VFSC đã từng bước hoàn thiện và đi vào vận hành đảm bảo tính chính xác, trung thực và minh bạch của dữ liệu.

Chuyên viên VFSC Đào Hoàng Thân cho biết, để hỗ trợ người nông dân xây dựng “nhật ký điện tử”, phần mềm ứng dụng VFSC đã được thiết kế sử dụng phù hợp trên cả 2 hệ điều hành Android và IOS. Người sản xuất chỉ việc chụp ảnh, chú thích các công việc mình thực hiện và gửi thông tin đó về Trung tâm điều hành hệ thống mà không cần sử dụng đến các văn bản giấy tờ, ghi chép sổ sách như trước đây.

Cơ sở dữ liệu mà người tiêu dùng, nhà quản lý truy xuất được sẽ bao gồm những thông tin về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm: Cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác (giống cây trồng, quy trình chăm sóc, nơi trồng, vật tư sử dụng,…), chứng chỉ chứng nhận, thu hoạch, sơ chế đóng gói, hạn sử dụng… đều được minh bạch và có thể chia sẻ được giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất, người tiêu dùng.

Điều này đồng nghĩa với việc người nông dân đã trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị. Các sản phẩm nông nghiệp sẽ được lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu theo quy định bởi Phòng thử nghiệm được công nhận hoặc cơ quan nhà nước chỉ định, nếu kết quả phân tích đạt yêu cầu mới được chứng nhận theo các tiêu chuẩn tương ứng: VietGAP, AseanGAP, GlobalGAP, ASC,…


Chuyên gia VinaCert đánh giá chứng nhận VietGAP tại HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh. Ảnh TL VinaCert

HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh là đơn vị tiên phong trong việc đăng ký sử dụng phần mềm VFSC, Trưởng Ban kiểm soát HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) Nguyễn Khắc Hoàng chia sẻ, tuy ban đầu còn gặp một số khó khăn trở ngại, nhưng với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các chuyên gia, chuyên viên VFSC, các thành viên HTX đã áp dụng được ứng dụng VFSC vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu và từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn của HTX. Tất cả sản phẩm bán ra thị trường đều có mã QR-code, giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, nhận diện thương hiệu rau an toàn một cách thuận tiện.

Bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc HTX cho biết, trước đó, đơn vị đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert thí điểm triển khai áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP điện tử (eGAP). 

Minh Quân

Bình luận