Hợp tác “Ứng dụng phần mềm khoa học công nghệ VFSC trong quản lý hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”
TNNN – Thỏa thuận hợp tác đánh dấu bước phát triển của những ý tưởng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được áp dụng vào thực tiễn.
- Cùng bàn thảo về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm
- VinaCert và NFSI ký kết thỏa thuận đối tác thực hiện chuỗi truy xuất nguồn gốc thực phẩm
- NFSI và Trung tâm khuyến nông Hải Phòng tổ chức hội nghị ứng dụng phần mềm VFSC
- Triệu chứng phát ban da có thể là dấu hiệu cảnh báo của Covid-19
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác “Ứng dụng phần mềm khoa học công nghệ VFSC trong quản lý hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” giữa NFSI với Công ty TNHH MTV Thiên An. Ảnh: Vũ Hải
Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI) và Công ty TNHH MTV Thiên An vừa ký kết thỏa thuận hợp tác “Ứng dụng phần mềm khoa học công nghệ VFSC trong quản lý hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.
Chia sẻ tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, đại diện Ban lãnh đạo NFSI cho biết, trong hơn 20 năm qua, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề thời sự tại Việt Nam, chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân do cách tiếp cận và phương thức quản lý chưa phù hợp.
Cũng theo vị đại diện NFSI, hiện, phần mềm công nghệ VFSC đã được áp dụng tại một số trang trại và tiếp tục được cải tiến, hoàn thiện hơn với kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sử dụng để quản lý, truy xuất nguồn gốc nông sản phẩm.
Tại lễ ký kết, GS.TS Phan Thị Kim, Viện trưởng NFSI bày tỏ mong muốn được đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển chuỗi an toàn thực phẩm sử dụng công nghệ VFSC, từ đó xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trong chuỗi. Cách tiếp cận của NFSI dựa trên nguyên tắc “từ trang trại tới bàn ăn” của FAO, WHO. Trên cơ sở sử dụng công nghệ thông tin như blockchain nhằm kiểm soát được chuỗi an toàn thực phẩm.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thiên An thăm quan Phòng thử nghiệm 1 của VinaCert. Ảnh: Vũ Hải
Giới thiệu về Công ty TNHH MTV Thiên An, ông Nguyễn Văn Tuấn, phụ trách kỹ thuật của Công ty cho biết, thành lập từ năm 2008 và hoạt động chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đến đầu năm 2016, công ty Thiên An mở rộng sang lĩnh vực trồng trọt, đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh,…
“Với phần mềm VFSC, đơn vị nhận thấy đã đáp ứng được các yêu cầu về quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn theo chuỗi. Hiện nay, đơn vị đã ký kết hợp tác với rất nhiều hợp tác xã. Việc tập huấn cho nông dân về ứng dụng blockchain cũng như tham gia chuỗi VFSC sẽ giúp công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp của công ty thuận lợi, hiệu quả và minh bạch hơn, đáp ứng các yêu cầu chất lượng nông sản tại các chuỗi Co.op Mart tại tỉnh Bắc Giang”, ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.
Đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, phát triển theo chuỗi công nghệ VFSC (Vietnam Food Safety chain) dựa trên nền tảng Blockchain chính là giải pháp để tăng cường “sức khỏe” cho đất đai, cây trồng và con người, nâng cao chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm. Đây cũng là yếu tố để có được một ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, giữ gìn và bảo vệ môi trường trong lành, giúp cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua việc quản lý chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại tất cả các khâu trong chuỗi, áp dụng công nghệ mới vào quản lý các quá trình sản xuất: tạo giống - nuôi trồng - thu hoạch - chế biến - vận chuyển - cung cấp cho thị trường,...
Việc hai đơn vị ký kết thỏa thuận hợp tác đánh dấu bước phát triển mới trong việc đưa những ý tưởng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm áp dụng vào thực tiễn.
Vũ Hải