Theo dòng sự kiện

Gỗ, giấy bền nhờ… rơm rạ

09/07/2020, 10:36

TNNN - Nhóm sinh viên Mộc đến từ ĐH Bách khoa TPHCM và Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM đã nghiên cứu thành công giải pháp bảo quản gỗ, giấy nhờ những phụ phẩm tưởng như bỏ đi là rơm rạ.

Đồ gì từ gỗ cũng được bảo vệ

Nhóm tác giả gồm nữ sinh Trần Linh Chi (Đại học Bách khoa TPHCM) cùng ba chàng trai Nguyễn Bá Mạnh Khang, Võ Lê Việt Khải và Lê Thành Đức (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM) đã sáng chế thành công dầu từ rơm rạ để bảo quản đồ gỗ chống ẩm mốc, mối mọt. Từ đó có thể ứng dụng để bảo quản sách vở, đồ dùng bằng gỗ. Nguyễn Bá Mạnh Khang cho hay, các sản phẩm được tạo ra từ gốc cellulose như gỗ, giấy… rất dễ hỏng theo thời gian. Nấm gỗ không chỉ làm hư hại sản phẩm mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trong khi đó, sản lượng gỗ khai thác tại Việt Nam mỗi năm đạt 14,5 triệu m3, tạo ra giá trị 1,6 tỷ USD cho các ngành công nghiệp tạo sản phẩm từ gốc cellulose và 1 tỷ USD chỉ riêng cho các sản phẩm giấy. Nếu tạo ra được cách bảo quản gỗ, giấy vĩnh viễn thì sẽ là một cuộc cách mạng thực sự.

Nhóm MỘC trong phòng thí nghiệm.

Giải pháp được nhóm nghĩ tới là sử dụng hệ thống khí hóa tạo dầu sinh học để bảo quản đồ bằng cellulose. Điều đặc biệt là dầu sinh học này có nhiều trong rơm rạ, bã cà phê, bã mía… là những thứ được coi là rác thải. Nhóm sinh viên thực hiện chiết xuất và tách các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên này qua các quá trình lắng, lọc, ly tâm và sử dụng dung môi xanh để trích ly, trao đổi dung môi và pha loãng. Dung dịch đầu ra khi được pha với nồng độ phù hợp, trở thành sản phẩm độc nhất ở Việt Nam. Qua quá trình thử nghiệm ở điều kiện phòng thí nghiệm, dung dịch giúp kháng khuẩn và nấm mốc trên bề mặt gỗ đến 90%. Sản phẩm được nhóm đặt tên “Mộc” với ý nghĩa dự án được sản xuất từ nguyên vật liệu thô mộc, cũng như thành phẩm được sử dụng cho các đồ vật có gốc từ cây gỗ.

Mở rộng ứng dụng sang dệt may

Sinh viên Lê Thành Đức, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trên thị trường trong nước có nhiều sản phẩm với công dụng tương tự, tuy nhiên chúng được điều chế từ hóa chất chứ không phải nguyên vật liệu có gốc tự nhiên. Qua khảo sát, nhóm tự tin cho biết đây là dung dịch độc nhất, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Thế mạnh của sản phẩm là nguyên liệu đầu vào có giá trị thấp, dung dịch tạo ra có hiệu năng cao, vì thế có thể cạnh tranh được với các sản phẩm khác. Ngoài ra, quá trình khí hóa giúp lượng chất thải sau sản xuất cũng có thể dùng để cải tạo đất nông nghiệp, gần như mọi quá trình đều thân thiện với môi trường.

Sản phẩm không chỉ dừng lại ở bảo quản gỗ, giấy mà còn có thể ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, như giấy, dệt may bởi tính kháng khuẩn của sản phẩm rất cao. Sản phẩm độc đáo và hiệu quả bởi không có bất cứ thành phần hóa học nào gây hại cho môi trường và sức khỏe, có độ bền cao, nguồn nguyên liệu phong phú, giá thành rẻ, có thể tận dụng được các phòng thí nghiệm trong các nhà trường để sản xuất.  Điểm trừ của sản phẩm hiện nay là dung dịch vẫn tạo mùi khó chịu. Thách thức đặt ra trong thời gian tới là phải nghiên cứu cải thiện mùi, tạo ra thiện cảm tốt hơn cho người dùng.

Theo PGS.TS Lê Thị Kim Phụng, Đại học Bách khoa TPHCM, đây là giải pháp hoàn toàn sinh học, rất an toàn và có hiệu quả cao, do vậy tiềm năng ứng dụng sẽ rất lớn. Ngoài bảo quản giấy, đồ gỗ, có thể sử dụng sản xuất vải kháng khuẩn, quần áo bảo hộ chống dịch và rất nhiều lĩnh vực khác.

Nguồn: Khoa học & Đời sống

Từ khóa: Gỗ, giấy, rơm rạ,
Bình luận