Theo dòng sự kiện

Thế nào là phòng học đảm bảo tiêu chuẩn chiếu sáng?

03/12/2019, 11:05

TNNN - Ý nghĩa sinh học của ánh sáng đối với cơ thể người, nhất là trẻ em trong giai đoạn phát triển rất quan trọng, có tác dụng tăng cường trao đổi chất, thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển.

Ánh sáng là yếu tố quan trọng trong môi trường học tập. Chiếu sáng đúng cách trong các phòng học, không chỉ giúp bảo vệ thị lực và chất lượng học tập cho học sinh, mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong nhà trường.

Những số liệu gần đây cho thấy, ở nước ta tỷ lệ cận thị học đường ngày càng gia tăng, nhất là ở thành phố, thị xã và trở thành một vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.

Một trong những nguyên nhân gia tăng tỷ lệ cận thị ở học sinh chính là do cách bố trí nguồn sáng trong các phòng học chưa hợp lý. Mặc dù Nhà nước đã ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chiếu sáng nhưng do nhiều yếu tố khác nhau, việc thực hiện các quy định về chiếu sáng học đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Những sai lầm phổ biến thường gặp là sử dụng đèn chiếu sáng có độ rọi sáng thấp, không có máng chụp đèn. Vị trí của các bóng đèn không được bố trí hợp lý, khiến ánh sáng lan tỏa không đều, tranh tối tranh sáng. Quạt trần thường được lắp thấp hơn bóng đèn, gây hiện tượng chia cắt ánh sáng khi bật quạt.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, từng làm việc tại Ủy ban khoa học thành phố Hà Nội cho biết, có rất nhiều trường học hiện nay lắp đèn trên tường, ánh sáng không được tỏa đều khắp phòng học. Đặc biệt, bóng đèn được lắp phía trên bảng thường không có máng che, gây lóa cho mắt học sinh khi nhìn lên bảng. Ông giải thích: “Như trong vật lý lớp 7, chúng ta không bao giờ được nhìn vào nguồn sáng đang phát sáng. Ánh sáng tốt nhất trong mọi trường hợp để người quan sát bằng mắt thường là ánh sáng có màu, trời nắng không mây – theo từ ngữ của kỹ thuật chiếu sáng thì nhiệt độ màu phải từ 4300K – 5300K”.


Ảnh: Hoàng Nam

Qua kiếm tra thực tế, độ rọi trung bình tại vị trí bảng viết và bàn học sinh đạt trung bình là 180 LUX, trầm trọng hơn tại một số lớp học khi thời điểm đo vào ngày mưa hoặc những ngày u ám, cường độ sáng chỉ đạt 100 LUX, trong khi tiêu chuẩn về chiếu sáng trong phòng học phải từ 300 – 500 LUX.

Ý nghĩa sinh học của ánh sáng đối với cơ thể người, nhất là trẻ em trong giai đoạn phát triển rất quan trọng, có tác dụng tăng cường trao đổi chất, thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển. Các chức năng thị giác liên quan tỷ lệ thuận với cường độ chiếu sáng như: thị lực (khả năng phân việt các vật của mắt), thời gian nhận biết (thời gian nhỏ nhất để nhận biết vật), sự ổn định thị giác (thời gian nhìn rõ vật), cảm nhận độ tương phản (khả năng phân biệt sự khác nhau giữa các độ chói của các vật xen lẫn nhau).

Theo kết quả một số nghiên cứu, khi làm việc bằng mắt trong thời gian 3 giờ với độ chiếu sáng 30 – 50LUX thì sự ổn định thị giác giảm 37%, với cường độ ánh sáng lớn hơn từ 200 – 300LUX thì chỉ giảm 10%.

Mức độ chiếu sáng ảnh hưởng thực sự tới chất lượng học tập của học sinh. Theo kết quả khảo sát của các cuộc điều tra, khi chiếu sáng bề mặt bàn học của học sinh là 400LUX thì số lượng bài tập không mắc lỗi chiếm 74%, nhưng nếu độ rọi sáng còn 100 – 150LUX thì số bài tập không mắc lỗi giảm còn 37%. Độ rọi càng hợp lý thì khả năng làm việc bằng mắt càng cao và giảm mệt mỏi thị giác. Cải thiện điều kiện chiếu sáng sẽ làm tăng hiệu suất lao động cả về số lượng lẫn chất lượng. Các chức năng thị giác ở học sinh trở nên tốt hơn khi học tập trong điều kiện từ 300 – 500LUX.

Việc thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng trường học đáp ứng tiêu chuẩn chiếu sáng, đảm bảo không gian học tập, giảng dạy hiệu quả, tạo hứng thú cho thầy trò, không gây hại cho mắt, tiết kiệm năng lượng cần được quan tâm.

Ông Khải khuyến cáo, trong lúc học, độ đồng đều của ánh sáng trong phòng phải từ 70%, vì vậy, đèn cần phải lắp so le nhau, và phải là đèn dài. Rất nhiều trường học hiện nay vẫn còn đang sử dụng thiết kế song song, gây bất hợp lý về độ rọi sáng xuống bàn học của học sinh. “Một tiêu chuẩn khác trong phòng học đó là, học sinh nhìn lên bảng phải không nhìn thấy bóng đèn, giáo viên nhìn xuống lớp không nhìn thấy bóng đèn”, ông Khải cho hay. Ý nghĩa của tiêu chuẩn này là bóng đèn trong phòng học cần phải có máng che. Mặc dù nhiều trường học đã tuân thủ tiêu chuẩn này, nhưng máng che cho đèn quá nông, không phủ kín đèn gây chói mắt cho cả giáo viên và học sinh.

Hiện nay, đèn LED là sự lựa chọn tốt nhất cho các trường học, trung bình từ 18W, hiệu suất phát quang 100Lumen/W, hiệu suất sử dụng năng lượng >90%, nhiệt độ màu từ 4300 – 5300K. Các lớp học có diện tích trung bình khoảng 50m2 thì cần dùng 9 đèn soi bàn học và 2 đèn soi bảng, tiến sĩ Khải cho biết.

Ngoài ra, phòng học nên mở cửa sổ hoặc cửa kính để lấy ánh sáng tự nhiên, tuy nhiên không được cho rọi vào bàn học sinh. Một trong những cách để ngăn chặn việc này là làm một tấm rèm mỏng để ngăn ánh sáng trực tiếp, tốt nhất là màu vàng nhạt.

Những sản phẩm thiết bị đèn LED có tính đồng bộ cao, tối ưu hóa các thông số điện, quang và tuổi thọ của đèn, dễ dàng lắp đặt, thay thế và an toàn khi sử dụng, hạn chế các chất độc hại. Các thông số cho thấy, các thiết bị này có độ rọi cao nhất đạt trên 500LUX (mặt bàn học sinh dưới ánh sáng đèn), khu vực xung quanh dao động từ 360 – 420LUX, mật độ công suất đạt 8W/m2 (đáp ứng <12 so với tiêu chuẩn quy định), chỉ số hoàn màu Ra>80, độ đồng đều >0.7 đáp ứng các quy định về Tiêu chuẩn chất lượng chiếu sáng theo TCVN 7114-2008.

Với thiết kế hệ thống chiếu sáng như đã nói ở trên, các trường học không cần sử dụng nhiều bóng đèn hơn trước đây mà vẫn cải thiện được các thông số chiếu sáng đạt tiêu chuẩn theo quy định, qua đó đảm bảo sức khỏe, góp phần giảm thiểu các tật về thị lực cho học sinh. Nhiệt độ màu của ánh sáng khoảng 6200K, màu sắc dễ chịu, ánh sáng gần với ánh sáng ngoài trời nên mắt dễ chịu, bảng không bị bóng, giúp học sinh tập trung hơn, hiệu quả học tập cao hơn.

Hoàng Nam

Bình luận