Theo dòng sự kiện

Một số phương pháp phân tích mới trong kiểm soát ô nhiễm môi trường, thực phẩm và dược phẩm

12/05/2021, 06:16

TNNN – Đây là chủ đề chính được chia sẻ tại hội thảo do Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Chủ tịch Hội VinaLAB, những năm qua, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cùng các Hiệp định song phương, đa phương khác.

Cùng với tiến trình này, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đã và đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới, và đã có nhiều sản phẩm hàng hóa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn nước nhập khẩu.


TS. Nguyễn Hoàng Linh phát biểu khai mạc. Ảnh: Vũ Hải

“Hiện tại, Việt Nam đã có hệ thống Phòng phân tích, thử nghiệm khá đa dạng, có sự tăng trưởng khá tốt trong thời gian qua; Đồng thời, có hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương đối đầy đủ, hài hòa với hệ thống tiêu chuẩn của quốc tế”,… TS. Nguyễn Hoàng Linh khái lược và nhấn mạnh rằng: “Với yêu cầu của phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, lĩnh vực phân tích và thử nghiệm cần phải phấn đấu vượt qua nhiều thách thức, tiếp tục tự hoàn thiện và nâng cao năng lực, góp phần xây dựng hạ tầng quốc gia một cách vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất  khẩu”.

TS. Nguyễn Hoàng Linh: Đây là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học trong  lĩnh vực phân tích, thử nghiệm, nhà cung cấp thiết bị cùng chia sẻ thông tin, cùng đồng hành để tạo ra những sản phẩm khoa học có giá trị cho ngành phân tích, thử nghiệm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, từng bước đưa sản phẩm của Việt Nam đến người tiêu dùng trên thế giới.

Chia sẻ về một số kỹ thuật phân tích trực tiếp sản phẩm polime bằng thiết bị hóa lý phục vụ vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường, PGS. TS Nguyễn Công Sáu, Phòng Giám định Hóa, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho biết: Với trang thiết bị hiện có: Kính hiển vi hồng ngoại; Máy quang phổ hồng ngoại, Quang phổ tử ngoại khả kiến UV-Vis,… việc chuẩn bị mẫu rất mất thời gian, chưa đáp ứng được yêu cầu phân tích mẫu tại hiện trường một cách nhanh, chính xác.

Cùng với phân tích những ưu điểm, nhược điểm của một số phương pháp, PGS. TS Nguyễn Công Sáu bày tỏ mong muốn rằng, các nhà sản xuất và cung cấp thiết bị có thể nghiên cứu để có được những thiết bị cầm tay, phục vụ phân tích nhanh và cho kết quả ngay tại hiện trường.


PGS. TS Nguyễn Công Sáu trình bày báo cáo khoa học. Ảnh: Vũ Hải

Dẫn ví dụ liên quan đến ô nhiễm môi trường nước (điển hình như vụ ô nhiễm tại Nhà máy nước mặt Sông Đà năm 2019), bằng kỹ thuật nghiệp vụ, Viện Khoa học Hình sự đã lấy mẫu và nhanh chóng xác định được chất gây ô nhiễm. Hay như một số vụ tử vong sau khi “bơm ngực thẩm mỹ”, đơn vị cũng nhanh chóng xác định được nguyên nhân.

PGS. TS Nguyễn Công Sáu nhấn mạnh rằng, do yêu cầu thực tế hiện nay, đơn vị rất cần các thiết bị phân tích nhanh để xác định các loại chất gây ô nhiễm môi trường như cao su, nhựa,… Điều này rất cần sự vào cuộc của các nhà khoa học.

Báo cáo khoa học về chủ đề “Sắc ký lỏng khối phổ phân giải cao (LC-HRMS) và ứng dụng sàng lọc hợp chất chưa biết trong thực phẩm”, TS. Trần Cao Sơn, Viện phó Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia cho biết, kỹ thuật này rất hiệu quả trong sàng lọc chất trộn trái phép trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thuốc nhóm phosphodiesterase-5 (PDE-5)), xác định một số độc tố tự nhiên trong thực phẩm cũng như chất bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên quá trình xử lý số liệu đòi hỏi sự tập trung cao và rất mất công sức. Độ phân giải khối càng cao thì sẽ mang đến độ chính xác khối cao hơn. Điều này phụ thuộc vào công nghệ của từng nhà sản xuất. Với hơn 70 hợp chất nhóm PDE-5, do đó việc phân tích, xử lý dữ liệu rất mất thời gian.


TS. Trần Cao Sơn chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Vũ Hải

Cũng theo TS. Trần Cao Sơn, trong quá trình nghiên cứu đã phát hiện một số hợp chất, có khả năng rất gần với các hợp chất nhóm PDE-5, nhưng trong Cơ sở dữ liệu Database chưa có. Trong trường hợp này phải thực hiện thêm công đoạn chiết hợp chất đó ra và sử dụng sắc ký điều chế để tinh chế, sau đó sử dụng lại các phổ sắc ký lỏng hiệu năng cao UV-Vis hoặc phổ hồng ngoại, phổ khối,… để xác định hợp chất đó.


TS. Trần Quang Minh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Vũ Hải

Còn với “Ứng dụng công nghệ dòng chảy vi lưu trong phân tích thực phẩm”, theo TS. Trần Quang Minh, PTN trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong Phát triển xanh (Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN), công nghệ này đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: Chẩn đoán bệnh, thời điểm chăm sóc bệnh nhân, Nghiên cứu y học và khoa học sự sống, Phân tích trong thực phẩm, công nghiệp và môi trường,…

Công nghệ dòng chảy vi lưu có nhiều ưu điểm: Giảm thể tích mẫu và hóa chất; Tốn ít thời gian cho việc thay thế chất lỏng, truyền nhiệt và phân tích; Tự động hóa và tích hợp với nhiều hệ thống vận hành phức tạp; Kiểm soát chất lỏng chính xác; An toàn hơn trong các phản ứng hóa học;…

“Công nghệ vi lưu đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng để phân tích nhanh hàm lượng nitrit; Phân tích đồng (Cu) trong nước uống; phân tích thuốc trừ sâu;… Tuy nhiên tại Việt Nam, đây còn là công nghệ mới, nếu được phát triển sẽ là 1 công cụ mạnh không chỉ cho phân tích mà còn trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác, đặc biệt là công nghệ phân tích nhanh thực phẩm ngoài hiện trường”, TS. Trần Quang Minh cho biết.


PGS.TS Nguyễn Đình Thắng. Ảnh: Vũ Hải

Bàn về một số phương pháp đánh giá khả năng gây ung thư của các tác nhân hóa học trên tế bào nuôi cấy, PGS.TS Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc phụ trách phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ enzym và Protein (trường ĐHKHTN, ĐHQGHN), cho biết, với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, ứng dụng của nó trong các lĩnh vực: Y dược, nông nghiệp, thủy sản, môi trường,… đặc biệt là ứng dụng trong ngành công nghệ thực phẩm chế biến.

Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất sẽ có những mặt trái mà chúng ta không thể lường trước được, trong đó có khả năng gây ung thư. PGS.TS Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh rằng, ngay cả các hóa chất vô cơ hay hữu cơ từ nhiều nguồn khác nhau cũng đều có khả năng trở thành tác nhân gây ung thư thông qua việc gây đột biến gen, hoặc những tác động đến quá trình chuyển hóa, trao đổi chất trong tế bào. Khi nào sự thay đổi của tế bào đủ lớn, tích lũy hóa chất và tác động của chúng đủ mạnh sẽ biến các tế bào khỏe mạnh thành tế bào ung thư. Do vậy, để sử dụng hóa chất nào đó vào một mục đích nhất định, phải đánh giá được độc tính và khả năng gây ung thư của hóa chất đó.

Sử dụng các phương pháp đánh giá độc tính điển hình như: MTT Assay - Apopt osis - Cell cycle, sau đó tiến hành đánh giá khả năng gây ung thư của hóa chất, bao gồm khả năng di chuyển, xâm lấn, hình thành khối u, và cơ chế phân tử để đánh giá độc tính tế bào.

Như vậy, hóa chất sử dụng phải được đánh giá độc tính, thông qua dãy nồng độ đã được khảo sát để thấy được khả năng tác động đến tế bào, từ đó xác định các giá trị đáp ứng liều để có thể sử dụng với nồng độ phù hợp cho từng mục đích, lĩnh vực.

Chia sẻ về phương pháp “Phát hiện và định lượng Coliforms, E.coli bằng kỹ thuật sử dụng công nghệ cơ chất đặc hiệu thiết bị IDEXX trên nền mẫu nước các loại” (ISO 9308-2:2012), ThS. Võ Thị Phương, Phòng thí nghiệm Vi sinh và GMO (Quatest 1 – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, đây là phương pháp cho phép phát hiện nhanh, đồng thời phát hiện được 2 loại vi khuẩn với độ chính xác cao, đạt yêu cầu.


ThS. Võ Thị Phương trình bày báo cáo khoa học tại hội thảo. Ảnh: Vũ Hải

Theo ThS. Võ Thị Phương, hiện có 3 phương pháp phân tích nước (nước sản xuất, nước sinh hoạt và nước thải), gồm: Phương pháp MPN (Most probable number – Đếm số có xác xuất lớn), Phương pháp MF (Membrane-filter – Màng lọc), và Phương pháp đếm đĩa. Đây là những phương pháp sử dụng công nghệ cơ chất đặc hiệu, ưu điểm là dễ sử dụng, kết quả chính xác, phân tích nhanh, độ tin cậy cao, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Phương pháp sử dụng công nghệ cơ chất đặc hiệu là một phương pháp chuẩn ISO 9308-2:2012, sử dụng chất dinh dưỡng đặc biệt (gọi là nguồn carbon chính) cho vi khuẩn đích mà hầu hết các loại vi khuẩn khác không thể sử dụng, cho phép phát hiện đồng thời định tính và định lượng cả 2 chỉ tiêu Coliforms, E. coli chỉ sau 18-24 giờ mà không cần đếm khuẩn lạc.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã nghe PGS.TS.DS Nguyễn Thu Hương, Giảng viên chính trường ĐH Y tế công cộng cũng đã giới thiệu “Các phương pháp tiếp cận mới trong chẩn đoán ký sinh trùng truyền lây: Miễn dịch và sinh học phân tử”; PGS.TS Từ Bình Minh, Bộ môn Hóa phân tích, Khoa Hóa học, trường ĐHKHTN, ĐHQGHN báo cáo về “Đánh giá mức độ ô nhiễm, nguồn gốc và phơi nhiễm của một số độc chất hữu cơ trong mẫu bụi đường và mẫu bụi trong nhà tại Việt Nam”; Đại diện một số doanh nghiệp giới thiệu về phương pháp và thiết bị thử nghiệm dùng tại hiện trường: Phương pháp ô xy hóa 2 giai đoạn được áp dụng trong thử nghiệm, phân tích môi trường nước nuôi trồng thủy sản; Chiết và làm giàu mẫu phân tích cho GC, GC/MS trong phân tích môi trường, thực phẩm, dược phẩm;…

Vũ Hải

Bình luận